Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Sẽ có kỳ sát hạch tập trung cho công chức trước khi tuyển dụng

Tuyên truyền phổ biến Lĩnh vực Cán bộ, công chức, viên chức  
Sẽ có kỳ sát hạch tập trung cho công chức trước khi tuyển dụng
Phần thi kiến thức chung, tin học, ngoại ngữ sẽ được tách riêng để giao cho các trung tâm độc lập tổ chức sát hạch tập trung cho cả nước và cấp chứng chỉ cho ứng viên trước khi các cơ quan tuyển dụng thi tuyển chuyên ngành.
“Kiểm định chất lượng đầu vào” đối với công chức là một trong những chính sách mới vừa được Chính phủ bổ sung vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội tới đây. Trong dự thảo luật lần đầu trình ra Quốc hội tại kỳ họp 7 vừa qua, Điều 39 Luật Cán bộ, công chức hiện hành đã được đổi tên từ “Cơ quan thực hiện tuyển dụng công chức” thành “Tuyển dụng công chức”, đồng thời bổ sung quy định: “Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được thực hiện trước khi cơ quan có thẩm quyền lựa chọn, tuyển dụng công chức. Chính phủ quy định chi tiết việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức”. Trình bày tờ trình tại kỳ họp 7, đại diện Chính phủ - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải thích, quy định này nhằm thể chế hóa chủ trương đã được xác định tại Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7, trong đó xác định: “Thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức để các địa phương, cơ quan, đơn vị lựa chọn, tuyển dụng theo yêu cầu, nhiệm vụ”.
Giải thích về những băn khoăn của các Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân giải thích: Việc kiểm định đầu vào được tiến hành trước khi cơ quan tuyển dụng thi tuyển hoặc xét tuyển là “kiểm định” về những kiến thức chung về quản lý hành chính nhà nước; ngoại ngữ và tin học. Sau khi các ứng viên vượt qua được kỳ “kiểm định”, được cấp chứng nhận thì các cơ quan tuyển dụng sẽ tiến hành thi tuyển, xét tuyển về chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm mà các cơ quan này cần tuyển dụng. Về đơn vị được giao làm nhiệm vụ “kiểm định”, ông Tân cho hay, dự kiến sẽ hình thành một số trung tâm theo khu vực nhưng theo hướng giao cho các đơn vị sẵn có.
Các chuyên gia vẫn cho rằng còn nhiều điều cần phải làm rõ đối với quy định này. Ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội, cho biết do Chính phủ không trình dự thảo nghị định kèm theo hồ sơ dự luật nên ngay cả cơ quan thẩm tra cũng chưa biết cụ thể việc kiểm định đầu vào công chức sẽ thực hiện như thế nào. Tuy nhiên, ông Xuyền cho hay, quan điểm của cơ quan thẩm tra là cần phải quy định rõ về thời điểm kiểm định, nguyên tắc cơ bản trong kiểm định, hình thức kiểm định; giao Chính phủ quy định chi tiết và phân công cơ quan tổ chức thực hiện kiểm định, quy định trình tự, thủ tục kiểm định, hiệu lực của kết quả kiểm định. Bên cạnh đó, theo ông Xuyền, việc sử dụng khái niệm “kiểm định đầu vào” ở đây cũng chưa chính xác khi thực chất nó là việc sát hạch kiến thức chung và các kỹ năng ngoại ngữ, tin học như những điều kiện cần đối với công chức trước khi sát hạch kiến thức chuyên ngành…
* Cán bộ nghỉ hưu bị kỷ luật có thể bị cắt một số quyền lợi vật chất
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức gửi đến đại biểu Quốc hội.
Theo đó, trước những ý kiến khác nhau của các đại biểu về việc xử lý cán bộ đã về hưu, nghỉ việc, chuyển công tác tại kỳ họp lần trước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo lưu quan điểm vẫn phải kỷ luật các đối tượng này, dù họ đã không còn là cán bộ, công chức.
Như vậy, cán bộ đã về hưu vẫn phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau: khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật cũng đã bổ sung nguyên tắc gắn hình thức xử lý kỷ luật với hệ quả pháp lý tương ứng, để làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết. Đối với từng hình thức xử lý kỷ luật “cảnh cáo”, “kỷ luật”, “xóa tư cách” thì cán bộ, công chức còn phải chịu kèm theo hệ quả cụ thể nào đó (ví dụ như cắt một số quyền lợi về vật chất mà người đó được hưởng)...
Tuy nhiên, với quan điểm xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu là một chủ trương lớn, “cần phải nghiên cứu thận trọng, có quy định hợp lý bảo đảm tính khả thi và thống nhất trong quá trình thực hiện”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã “xin được quy định trong luật nguyên tắc chung” và giao Chính phủ quy định cụ thể trình tự, thủ tục, hệ quả của hình thức xử lý kỷ luật, bảo đảm tính khả thi, linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện.
Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đối với dự thảo luật này, tuy là cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu nhưng hành vi vi phạm bị xử lý là hành vi xảy ra trong thời gian người đó đang còn công tác (đang là cán bộ, công chức) và vẫn nằm trong thời hiệu xử lý. Do đó, việc quy định về vấn đề này trong luật theo hướng áp dụng quy định của luật đối với đối tượng khác (cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu) là phù hợp.
Đồng thời, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để làm rõ việc áp dụng quy định của luật này đối với đối tượng không còn là cán bộ, công chức, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 3 về điều khoản chuyển tiếp, trong đó quy định việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thực hiện theo quy định của Luật này…
theo caicachhanhchinh.gov.vn