Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Khái quát chung về mô hình chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ

Tin tức - Sự kiện  
Khái quát chung về mô hình chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ
Tóm tắt: Mô hình “Chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ” ở xã, phường, thị trấn được xây dựng và đi vào hoạt động đang tạo nên sự thân thiện, trọng dân, gần dân, gắn kết, chia sẻ, vì nhân dân phục vụ. Đồng thời, từng bước đổi mới tác phong, thái độ, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trong giải quyết công việc cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Hiệu quả của mô hình được “đo” bằng sự hài lòng của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Bài viết làm rõ thêm những vấn đề lý luận về mô hình này để góp phần thực hiện có hiệu quả mô hình chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ.

Từ khóa: Chính quyền, thân thiện, vì nhân dân, phục vụ, khái niệm, đặc điểm…

Abstract: “Friendly, People-Serving Government” model in communes, wards and towns has been built and put into operation, creating the friendliness, respect for the people, closeness to the people, connection, sharing, and sense of serving the people. At the same time, it gradually transforms the working style, attitude and manner of the team of cadres and civil servants at the commune level in resolving the procedures for people, organizations and enterprises. The effectiveness of the model is “measured” by the satisfaction of organizations, enterprises and people. This paper contributes to clarifying the theoretical issues about the concept and characteristics of the model to build up an adequate knowledge of the contents of implementing the model of Friendly, People-Serving Government.

Keywords: Government, friendly, for the people, serving, concept, characteristics.

Thị trấn Đông Hưng, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình ra mắt mô hình "Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ", ngày 02/10/2023. Ảnh minh họa

Khái niệm chính quyền và chính quyền thân thiện

Hiện nay, thuật ngữ “chính quyền” được sử dụng khá phổ biến nhưng nghĩa của thuật ngữ này chưa được hiểu thống nhất. Trong Từ điển tiếng Việt, chính quyền được hiểu là “bộ máy điều hành, quản lý công việc của nhà nước ở các cấp”(1), là “quyền điều khiển bộ máy nhà nước”, “bộ máy điều khiển, quản lý công việc của nhà nước”(2).

Pháp luật hiện hành ở Việt Nam chưa chính thức đưa ra khái niệm “chính quyền”, tuy nhiên chính quyền được hiểu là bộ máy, quản lý điều hành công việc của nhà nước. Chính quyền được phân thành chính quyền địa phương và chính quyền trung ương. Chính quyền trung ương là tập hợp tất cả các cơ quan nhà nước trung ương. Chính quyền địa phương gồm có chính quyền cấp tỉnh, chính quyền cấp huyện, chính quyền cấp xã và chính quyền ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Hiến pháp năm 2013 là văn bản quy phạm pháp luật cao nhất sử dụng thuật ngữ “chính quyền địa phương” với tính chất là một chế định pháp luật để thay cho chế định Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân trước đây; sau đó Luật Tổ chức chính quyền địa phương tiếp tục cụ thể hóa chế định này. 

Như vậy, một cách chung nhất có thể hiểu “chính quyền” là tổ chức có quyền và khả năng buộc tổ chức khác và cá nhân phải lệ thuộc vào ý chí của mình, nhằm thực hiện chức năng quản lý xã hội; nói cách khác, chính quyền là cơ quan quản lý nhà nước sử dụng quyền lực nhà nước để quản lý xã hội.

“Thân thiện” là thuật ngữ được dùng trong lĩnh vực tình cảm hoặc các mối quan hệ, thể hiện sự dễ mến, gần gũi, thân mật. Trong Từ điển tiếng Việt, thân thiện là “tỏ ra tử tế và có thiện cảm với nhau”(3). Thân thiện là có tình cảm tốt, đối xử tử tế và thân thiết với nhau. Nội hàm thuật ngữ “thân thiện” đã chứa đựng sự công bằng, bình đẳng, dân chủ về pháp lý và sự yêu thương, tôn trọng về đạo lý. Bởi nếu bất bình đẳng, mất dân chủ, vô cảm trong quan hệ thì không còn “thân”, “thiện”.

“Chính quyền thân thiện” là cách gọi chính quyền được tổ chức và hoạt động gần gũi với nhân dân, tạo được sự thiện cảm với nhân dân. Xây dựng chính quyền thân thiện là thiết lập, củng cố và phát triển mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân ngày càng tốt đẹp hơn, đội ngũ cán bộ, công chức của chính quyền có thái độ tôn trọng, ân cần và niềm nở với nhân dân; lắng nghe và chia sẻ góp ý của nhân dân với chính quyền; không hách dịch, cửa quyền, không quan liêu trong giải quyết công việc của nhân dân…

Như vậy, “chính quyền thân thiện” có thể được hiểu là cách thức tổ chức và phương pháp, hình thức hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước nhằm loại bỏ rào cản với nhân dân, luôn gần gũi với nhân dân, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhân dân để phục vụ nhân dân tốt hơn.

Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ bắt nguồn từ bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân”; “Đảng ta là một đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Nhìn lại lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, biết bao tấm gương cán bộ, đảng viên đã quên mình vì nước, vì dân. Đó thật sự là những con người từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ. Trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu quan trọng là cần tiếp tục tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có tinh thần trách nhiệm, thật sự là “công bộc” của nhân dân. Tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền là luôn nhận thức rõ vị trí, vai trò của mình, sẵn sàng phấn đấu, hy sinh cho lý tưởng cách mạng, vì cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải dựa trên tiêu chí phục vụ nhân dân, “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Trong thực hiện nhiệm vụ được giao, cán bộ, công chức quán triệt nghiêm túc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm đúng quy trình, thủ tục; đồng thời, chủ động, linh hoạt, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. 

Khi triển khai thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, đảng viên cần nhanh chóng xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, tránh để chậm trễ gây tồn đọng, ách tắc; đồng thời, cần tiếp thu ý kiến đóng góp, phê bình của người dân với tinh thần “tự soi”, “tự sửa”, để không ngừng nâng cao đạo đức công vụ, gần dân, sát dân, hiểu và phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Cán bộ, công chức, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cấp kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện quan liêu, cửa quyền, mệnh lệnh hành chính, xa rời quần chúng; nâng cao tinh thần trách nhiệm, chống biểu hiện thờ ơ, vô cảm khi tiếp xúc, giải quyết công việc và trước khó khăn, vướng mắc của nhân dân. Bên cạnh đó, yêu cầu cấp thiết hiện nay là có cơ chế để khơi dậy tinh thần cống hiến vì đất nước, tạo động lực và áp lực để mọi cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, tận tụy phục vụ nhân dân; có cơ chế bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Như vậy “chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ” là mô hình đề cao văn hóa ứng xử của chính quyền với nhân dân, vì lợi ích nhân dân để phục vụ. Là bước tiến quan trong để chuyển đổi cơ chế quản lý từ mệnh lệnh - hành chính sang hành chính - phục vụ. Chính quyền tạo nên sự thân thiện, trọng dân, gần dân, gắn kết, chia sẻ. Đồng thời, từng bước đổi mới tác phong, thái độ, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Hiệu quả của mô hình được “đo” bằng sự hài lòng của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân với mục tiêu tôn chỉ cho hành động là tất cả vì lợi ích của nhân dân. Đây thực sự là mô hình chính quyền hiện đại, chuyên nghiệp và thể hiện bản chất dân chủ của chế độ ta.

Đặc điểm của “chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ”

Xây dựng chính quyền vì nhân dân phục vụ là yêu cầu tất yếu, phù hợp với xu thế hiện nay, thể hiện bản chất tốt đẹp của bộ máy nhà nước. So với mô hình chính quyền đã có, mô hình chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ có những đặc điểm sau: 

Thứ nhất, là chính quyền hoạt động công khai, minh bạch.

Với 5 tiêu chí cần thực hiện công khai minh bạch khi xây dựng mô hình chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ như: quy định về tuyên truyền phổ biến rộng rãi chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cơ chế, chính sách pháp luật của địa phương; niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã các quy định về thực hiện dân chủ; danh mục thủ tục hành chính… hay đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chỉ đạo điều hành, phát huy hiệu quả hoạt động các trang mạng xã hội: fanpage, zalo, facebook… hệ thống truyền thanh; công khai đường dây nóng để người dân trao đổi… cho thấy đây là mô hình chính quyền hoạt động thực sự công khai, minh bạch. Các hình thức công khai được quy định rõ ràng và đảm bảo việc tiếp cần thông tin của người dân một cách rõ ràng nhất. Nếu như trước đây, người dân khó khăn trong tìm hiểu thông tin thì nay, nhờ có sự phát triển của khoa học công nghệ và mạng xã hội, người dân đã tăng cường kết nối hơn với chính quyền cũng như từ phía chính quyền đã có thể thường xuyên phổ biến, cung cấp thông tin trong quản lý điều hành với nhân dân, lắng nghe nguyện vọng, ý kiến của nhân dân. 

Thứ hai, là chính quyền thân thiện và trách nhiệm.

Có thể nhận thấy rõ ràng nhất đây là mô hình chính quyền thực sự thân thiện và trách nhiệm với người dân. Từ trước khi có chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ, đội ngũ cán bộ, công chức cũng đã luôn quán triệt văn hóa công vụ trong ứng xử giao tiếp với nhân dân. Đó là quy định về lời nói, hành vi, trang phục. Ở nhiều địa phương, chính quyền đã có những cách làm sáng tạo, tấm gương điển hình về cách thức giải quyết công việc với nhân dân như; thăm hỏi, tặng quà, chúc mừng, chia buồn… nhưng mỗi nơi mỗi khác và có địa phương thực hiện, có địa phương không thực hiện. Với mô hình chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ như hiện nay, khi được thực hiện đồng loạt sẽ tạo được thống nhất trong các công việc tổ chức động viên, hỏi thăm, chúc mừng nhân dân; xin lỗi nhân dân, doanh nghiệp khi cán bộ, công chức, có lỗi trong thực thi công vụ; tạo thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính ngoài giờ hành chính và các hoạt động hỗ trợ thủ tục hành chính cho thương binh, bệnh binh, người khuyết tật, người già yếu, cô đơn không nơi nương tựa…

Thứ ba, là chính quyền có đội ngũ cán bộ, công chức gương mẫu, thân thiện, trách nhiệm với nhân dân.

Đây là đặc điểm dễ nhận thấy của mô hình này. Xây dựng hình ảnh người cán bộ, công chức chuyên nghiệp, hiện đại, gương mẫu, thân thiện, trách nhiệm với những quy định dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, như: đối với cán bộ, cán bộ công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã thực hiện tốt “3 luôn”, “5 biết”, “5 không” (3 “luôn” bao gồm: luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ; “5 biết” gồm: biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin, biết xin lỗi, biết cảm ơn; “5 không” là: không cửa quyền hách dịch, gây khó khăn, phiền hà; không quan liêu, vô cảm, vô trách nhiệm; không tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm; không xu nịnh, chạy chọt, gian dối; không lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thực thi công vụ. Và những quy định bắt buộc phải thực hiện như: xử lý công việc thành thạo, gương mẫu trong đạo đức công vụ, trang phục lịch sự, không sử dụng rượu bia, thuốc lá tại nơi làm việc)…

Đối với người đứng đầu chính quyền, ngoài việc thực hiện “3 luôn”, “5 biết”, “5 không” thì còn có những yêu cầu cao hơn như: phải chỉ đạo đội ngũ cán bộ, công chức dưới quyền thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức công vụ… thực hiện tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân, thường xuyên sâu sát cơ sở.

Để thực hiện mô hình chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ, đội ngũ cán bộ, công chức phải không ngừng hoàn thiện mình về chuyên môn, hiểu biết pháp luật, sử dụng khoa học công nghệ và phải hiểu về khoa học tâm lý con người cũng như kỹ năng giao tiếp với nhân dân; rèn luyện bản thân từ lời nói, cử chỉ, hành động để tạo thiện cảm; xóa bỏ rào cản, định kiến tiêu cực của nhân dân về những hạn chế, yếu kém của bộ máy chính quyền trước đây. Xây dựng hình ảnh người cán bộ, công chức gần gũi, thân thiện, vì nhân dân phục vụ.

Thứ tư, là chính quyền có hệ thống cơ sở vật chất văn minh, sạch đẹp, khang trang.

Chính quyền thân thiện vì dân phục vụ ngoài các đặc điểm về con người, về thông tin, thì trụ sở của chính quyền, nơi làm việc và giải quyết công việc với nhân dân, doanh nghiệp là điểm được chú ý trong xây dựng mô hình. Chính quyền không thể phục vụ nhân dân tốt với vật chất thiếu thốn, không đáp ứng yêu cầu công việc, do đó phải thực hiện cải cách hành chính, hiện đại hóa nền hành chính. Đến nay, đa phần trụ sở, nơi làm việc của chính quyền các cấp đều được xây dựng mới và trang bị cơ sở vật chất hiện đại. Nhưng để hướng tới sự thân thiện hơn, phục vụ dân tốt hơn thì trong mô hình chính quyền thân thiện vì dân phục xác định cụ thể hơn về các điều kiện làm việc, trụ sở được nâng cấp, bố trí, thiết kế như sau: cách bố trí phòng làm việc khoa học, thân thiện giữa cán bộ, công chức với tổ chức, người dân khi đến làm việc được chú trọng. Trang bị máy tính, máy in, máy photocopy, bàn ghế, nước uống, quạt điện, điều hòa, tủ/kệ/giá sách, báo, internet/wifi miễn phí không đặt mật khẩu. Có hệ thống camera giám sát tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, phòng tiếp dân. Xây dựng cảnh quan môi trường trụ sở sáng, xanh, sạch, đẹp, tạo ấn tượng tốt, thân thiện là đặc điểm về cơ sở vật chất của một chính quyền thân thiện vì dân phục vụ.

Những vấn đề lý luận về mô hình “chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” là cơ sở nền tảng để nghiên cứu đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp thực hiện Đề án số 08-ĐA/TU ngày 05/7/2023 Xây dựng thí điểm mô hình “chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2023-2025. Theo đó, việc triển khai mô hình phải gắn chặt với thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, chăm lo đời sống cho người dân. Đặc biệt, các cơ quan chuyên môn cần phối hợp khảo sát một cách thực chất chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, phối hợp với chính quyền triển khai thực hiện hiệu quả mô hình, góp phần nâng cao chỉ số hài lòng của người dân với chính quyền các cấp trong tình hình mới./.

---------------------

Ghi chú:

(1), (2), (3) Hoàng Phê, Từ điển tiếng Việt, Nxb Kim Đồng, H.2024​