Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Xây dựng và hoàn thiện nội dung tiêu chí, phương pháp xác định Chỉ số cải cách hành chính phù hợp với thực tiễn và cá...

Tuyên truyền phổ biến Lĩnh vực Cải cách hành chính  
Xây dựng và hoàn thiện nội dung tiêu chí, phương pháp xác định Chỉ số cải cách hành chính phù hợp với thực tiễn và các quy định phát luật hiện hành
Sáng ngày 22/7/2022, tại tỉnh Lào Cai, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo khoa học góp ý dự thảo Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương" giai đoạn 2022 - 2030 (Đề án). Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Phạm Minh Hùng - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Tổ trưởng Tổ biên tập Đề án và Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Lào Cai Nguyễn Văn Minh chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Đề án; các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện Văn phòng Chính phủ và các Bộ: Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Tài chính; đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị của Bộ Nội vụ và lãnh đạo Sở Nội vụ 25 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc...

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Phạm Minh Hùng - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, cho biết: Chỉ số cải cách hành chính đã được Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và tổ chức quốc tế xây dựng và triển khai áp dụng từ năm 2012 để đánh giá, xếp hạng kết quả cải cách hành chính nhà nước hàng năm của các bộ, các tỉnh/thành phố. Thời gian qua, có nhiều văn bản, chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để điều chỉnh các chỉ tiêu, nhiệm vụ liên quan đến cải cách hành chính cho phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu cải cách. Do vậy, cần phải rà soát lại để loại bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung cả nội dung, thang điểm đánh giá của một số tiêu chí, tiêu chí thành phần cho phù hợp với các quy định, chỉ tiêu mới. Bên cạnh đó, một số tiêu chí, tiêu chí thành phần chưa quy định rõ ràng, dẫn đến khó lượng hóa để đánh giá, chấm điểm; vẫn còn một số bất cập các phiếu hỏi và công tác tổ chức triển khai hoạt động điều tra xã hội học, cần được sớm khắc phục... Ngoài ra, các phương thức đánh giá, điều tra xã hội học cần tiếp tục được nghiên cứu, cải tiến cho phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ thông tin, công nghệ số nhằm nâng cao hơn nữa tính khách quan, công khai, minh bạch và công bằng trong đánh giá, xếp hạng kết quả cải cách hành chính hàng năm của các bộ, các tỉnh/thành phố.

Đồng chí Phạm Minh Hùng đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung cho ý kiến vào các nội dung: xếp hạng chỉ số cải cách hành chính; tên gọi của các lĩnh vực; tiêu chí đánh giá; thang điểm đánh giá; phương thức đánh giá qua báo cáo; nội dung phương thức điều tra xã hội học,...

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe đại diện Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) trình bày tóm tắt dự thảo Đề án, theo đó mục tiêu chung của Đề án nhằm nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện nội dung tiêu chí, phương pháp xác định Chỉ số cải cách hành chính phù hợp với tình hình thực tiễn và các quy định pháp luật hiện hành để theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan, công bằng kết quả triển khai cải cách hành chính hàng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.

Về cấu trúc của Bộ Chỉ số đối với Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh, bao gồm 08 lĩnh vực đánh giá: (1) Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính; (2) Cải cách thể chế; (3) Cải cách thủ tục hành chính; (4) Cải cách tổ chức bộ máy hành chính; (5) Cải cách chế độ công vụ; (6) Cải cách tài chính công; (7) Xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; (8) Tác động của cải cách hành chính đến người dân, tổ chức và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh/thành phố.

Về thang điểm đánh giá, tổng điểm đánh giá là 100. Trong đó, dự kiến tỷ lệ điểm điều tra xã hội học dao động từ 30% - 40% số điểm, tùy thuộc vào số lượng các tiêu chí đánh giá. Thang điểm đánh giá được xác định cụ thể đối với từng tiêu chí.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về các vấn đề: đánh giá sáng kiến cải cách hành chính; bổ sung đối tượng là cơ quan ngành dọc; sửa tên tiêu chí đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính; hướng dẫn rõ hơn đánh giá về kiểm tra sau phân cấp; điều chỉnh, bổ sung các tiêu chí trong cải cách chế độ công vụ, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách tài chính công, xây dựng, phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số, tác động của cải cách hành chính đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh/thành phố; sửa tên các lĩnh vực cho phù hợp với quy định của Nghị quyết số 76/NQ-CP; một số bất cập về khảo sát sự hài lòng;...

Cũng tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) Phạm Minh Hùng, đại diện Văn phòng Chính phủ và các Bộ: Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Tài chính đã trực tiếp giải đáp, tiếp thu ý kiến của các đại biểu phục vụ việc nghiên cứu, hoàn thiện Đề án, sớm trình cấp có thẩm quyền ban hành, làm cơ sở pháp lý cho việc tổ chức triển khai xác định Chỉ số cải cách hành chính giai đoạn 2022-2030 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Kết luận Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Phạm Minh Hùng - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ trân trọng cảm ơn ý kiến đóng góp của các đại biểu; Ban soạn thảo, Tổ biên tập sẽ tiếp thu, nghiên cứu, chắt lọc các ý kiến mang tính chung nhất, khả thi nhất để xây dựng và hoàn thiện nội dung tiêu chí, phương pháp xác định Chỉ số cải cách hành chính phù hợp với thực tiễn và các quy định phát luật hiện hành. Đồng chí Phạm Minh Hùng cũng đề nghị các đại biểu tiếp tục đóng góp ý kiến bằng văn bản gửi về Bộ Nội vụ để tổng hợp, hoàn thiện Đề án./.



Mạnh Quân - tcnn.vn