Buổi triển lãm đã giới thiệu lịch sử của các Cửa ô Hà Nội gắn liền với lịch sử của Thăng Long - Hà Nội thông qua 03 chủ đề với hơn 170 tài liệu lưu trữ từ các nguồn sử liệu, các hình ảnh, bản đồ, bản vẽ, các tài liệu viết bằng ngôn ngữ Hán Nôm và tiếng Pháp góp phần tái hiện lịch sử các Cửa ô của Hà Nội; cung cấp một góc nhìn trực quan, sinh động nhất về các hoạt động đời sống xã hội xung quanh các Cửa ô và sự biến mất của hầu hết các Cửa ô vào những năm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Bên cạnh đó, Trưng bày cũng giới thiệu về quá trình tiếp quản Thủ đô Hà Nội (10/10/1954) và những bước phát triển của Thủ đô sau ngày đất nước thống nhất đến nay.
Một góc triển lãm
Phát biểu khai mạc, ông Đặng Thanh Tùng, Cục Trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ nhấn mạnh, "Cửa ô" là một nét đặc trưng, riêng có của Hà Nội. Đây vốn là các cửa ngõ để ra vào Kinh thành Thăng Long xưa, cũng là điểm giới hạn của đô thị tiếp giáp với các vùng phụ cận. Vì vậy, phần lớn các "Cửa ô" đều hướng ra sông để kết nối giao thông buôn bán giữa phố thị và thôn quê.
Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng phát biểu tại triển lãm.
Ngoài vai trò là cửa ngõ kết nối giao thông, Các Cửa ô Hà Nội còn là nơi trấn giữ bảo vệ Kinh thành. Vì vậy, nơi đây từng ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử Hà Nội. Đặc biệt, các Cửa ô còn là nơi chứng kiến đoàn quân chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam tiến vào tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954.
Tại triển lãm, Lãnh đạo và Viên chức Trung tâm đã giao lưu học tập kinh nghiệm về công tác sưu tầm tài liệu quý hiếm có giá trị, kinh nghiệm về công tác tổ chức Triển lãm tài liệu lưu trữ với đơn vị Trung tâm lưu trữ Hà Nội cũng như Trung tâm lưu trữ của các tỉnh thành.
Ảnh tập thể GĐ trung tâm các tỉnh
Qua đó áp dụng thực tế vào kế hoạch sưu tầm tài liệu quý, hiếm của tỉnh Hà Nam đang triển khai nhằm phục vụ công tác lưu trữ, bảo quản tài liệu tại Lưu trữ lịch sử tỉnh cũng như tham mưu lãnh đạo sở Nội vụ kế hoạch trưng bày tài liệu lưu trữ tại tỉnh sau này./.