Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quá trình hình thành và phát triển Sở Nội vụ

Giới thiệu chung Quá trình hình thành và phát triển của cơ quan  
Quá trình hình thành và phát triển Sở Nội vụ
Mùa thu năm 1945, với khí thế cách mạng sục sôi, nhân dân ta đã nhất tề đứng lên, tiến hành tổng khởi nghĩa làm nên cao trào Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, đưa nước ta bước sang một thời kỳ lịch sử mới hào hùng - thời kỳ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Lịch sử nhân loại chứng kiến, một chính đảng của giai cấp công nhân, tuy chỉ mới ra đời mười lăm năm nhưng đã tập hợp được sức mạnh của toàn dân tộc, đứng lên đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân.

 Để bảo vệ thành quả thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, ngày 28/8/1945, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam (thành lập ngày 16/8/1945) đã được cải tổ thành Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Trong Chính phủ lâm thời có Bộ Nội vụ do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng, để thực hiện nhiệm vụ xây dựng bộ máy nhà nước, bảo vệ chính quyền cách mạng.

Ngày 28/8/1945 đã đánh dấu sự ra đời của ngành Tổ chức nhà nước. Ghi nhận, đánh giá những công lao vô cùng to lớn của các thế hệ cán bộ, công chức ngành Tổ chức nhà nước, ngày 17/4/2002, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 279/QĐ-TTg về lấy ngày 28 tháng 8 hàng năm là Ngày truyền thống của ngành Tổ chức nhà nước (hiện nay là ngành Nội vụ).

Ngành Tổ chức Nhà nước tỉnh Hà Nam được ra đời ngay sau khi thành lập Uỷ ban hành chính tỉnh Hà Nam, đầu mối ngành Tổ chức Nhà nước tỉnh Hà Nam lúc bấy giờ là Phòng Tổ chức cán bộ Uỷ ban hành chính tỉnh Hà Nam.

 Năm 1965 trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Hà Nam và Nam Định thành tỉnh Nam Hà, đầu mối ngành Tổ chức nhà nước lúc này là Ban Tổ chức dân chính tỉnh Nam Hà. Trong giai đoạn này, nhiều vấn đề mới về tổ chức bộ máy Nhà nước, công chức, công vụ và các vấn đề xã hội khác được đặt ra. Các vấn đề như bố trí cán bộ, công chức, nhân viên; sắp xếp, kiện toàn bộ máy chính quyền địa phương được thực hiện đã góp phần vào việc nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy chính quyền nhân dân ở Nam Hà, tạo cơ sở cho việc khôi phục và phát triển kinh tế- xã hội sau chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, bước vào giai đoạn tập trung xây dựng và phát triển Tỉnh. Đến ngày 27/12/1975, Nam Hà lại được hợp nhất với Ninh Bình thành tỉnh Hà Nam Ninh, lúc này Ban Tổ chức dân chính tỉnh Hà Nam Ninh được thành lập.

 Ngày 01/01/1997, tỉnh Hà Nam được tái thành lập, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh từng bước được thành lập và kiện toàn. Ban Tổ chức chính quyền – cơ quan tiền thân của Sở Nội vụ được thành lập trên cơ sở được chia tách từ tỉnh Nam Hà, Hệ thống tổ chức bộ máy lúc bấy giờ với 03 phòng, ban gồm: Phòng hành chính - Tổng hợp, phòng Xây dựng Chính quyền và phòng Tổ chức cán bộ. Số cán bộ được chia tách từ tỉnh Nam Hà lúc bấy giờ chỉ có 04 cán bộ công chức, sau một thời gian đội ngũ cán bộ công chức được bổ sung gần 20 người.

 Đến năm 2004, thực hiện Quyết định số 248/2003/QĐ-TTg ngày 20/11/2003 của Thủ tướng chính phủ về việc đổi tên Ban Tổ chức chính quyền thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành Sở Nội vụ, Ban Tổ chức chính quyền tỉnh Hà Nam được đổi tên thành Sở Nội vụ tỉnh Hà Nam cho đến nay.

 Năm 2008, thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh Hà Nam sát nhập Ban Tôn giáo, Ban Thi đua, khen thưởng tỉnh vào Sở Nội vụ. Sau đó tiếp tục chuyển chức năng quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ về Sở Nội vụ và  đến tháng 3 năm 2011, Sở Nội vụ thêm chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thanh niên.

Từ năm 2021 đến nay thực hiện Thông tư số 05/2021/TT-BNV ngày 12/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Quyết định số 44/2021/QĐ-UBND ngày 20/12/2021 của UBND tỉnh quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nội vụ tỉnh Hà Nam. Sở Nội vụ có 09 đơn vị trực thuộc (gồm Văn phòng; Thanh tra Sở; phòng Công chức, viên chức; phòng Xây dựng chính quyền và công tác thanh niên; phòng Tổ chức biên chế và tổ chức phi Chính phủ; phòng Cải cách hành chính và Văn thư, lưu trữ; phòng Thi đua, khen thưởng; phòng Tôn giáo, tín ngưỡng và Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh) với tổng số 70 chỉ tiêu biên chế được giao năm 2024 (trong đó có 49 công chức, 17 viên chức, 04 lao động hợp đồng).

Dù tổ chức bộ máy, tên gọi có khác nhau, từ Ban Tổ chức chính quyền tỉnh đổi tên thành Sở Nội vụ, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngành Nội vụ Hà Nam cũng đều có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh nhà và phấn đấu từng bước khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong đội ngũ các cơ quan tham mưu giúp việc cho UBND tỉnh.  Thực tế đã cho thấy, từ ngày thành lập đến nay, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Nội vụ của tỉnh đã không ngừng trưởng thành và phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Sở Nội vụ luôn trung thành với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tận tụy vì sự nghiệp chính trị chung của ngành, phát huy tinh thần đoàn kết, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Những năm qua Sở Nội vụ cùng với các Sở, ngành, các địa phương đã rà soát, tham mưu UBND tỉnh sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và biên chế các cơ quan, đơn vị, địa phương đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo đúng quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP; Nghị định 108/2020/NĐ và Nghị định số 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Công tác cải hành chính được đảm bảo; hoạt động của Trung tâm Hành chính công các cấp hiệu quả. Công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã được thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, thẩm quyền, từng bước xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ, đáp ứng kịp yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững của tỉnh. Công tác thi đua, khen thưởng có nhiều đổi mới rõ nét, thủ tục, quy trình xét khen thưởng ở các cấp cơ bản thực hiện đảm bảo đúng nguyên tắc, nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính. Việc xét khen thưởng đã chú trọng đến các đối tượng lao động trong các thành phần kinh tế, các nhà doanh nghiệp giỏi, nhà quản lý giỏi, những người trực tiếp sản xuất... Công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo bám sát các chủ trương, chỉ đạo của Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ và UBND tỉnh, trên địa bàn tỉnh không xảy ra các điểm nóng về tôn giáo. Công tác văn thư, lưu trữ dần đi vào nề nếp; các hoạt động nghiệp vụ về chỉnh lý tài liệu lưu trữ được chú trọng, công tác xác định giá trị tài liệu của các cơ quan, tổ chức được đảm bảo theo đúng quy định; thành phần tài liệu thu về Lưu trữ lịch sử có giá trị bảo quản vĩnh viễn, đáp ứng nhu cầu khai thác sử dụng tài liệu của độc giả. Công tác thanh tra, kiểm tra các cơ quan đơn vị được thực hiện thường xuyên đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật; công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng được quan tâm, tập trung lãnh đạo chỉ đạo đạt kết quả cao.Việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở của công chức, viên chức, người lao động đi vào nề nếp; tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, quy định hành chính cho tổ chức, công dân đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao sự hài lòng của công dân, tổ chức đối với các cơ quan nhà nước.

Và với các kết quả đó Sở Nội vụ Hà Nam đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Nội vụ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh ghi nhận, tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như:

     Đối với tập thể:  

+ Được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba, hạng nhì các năm 2009, 2014.

+ Được tặng cờ thi đua của Chính phủ năm 2017, 2021; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2016

+ Được Bộ Nội vụ tặng cờ thi đua đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2011; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nội vụ các năm 2021, 2022.

Và nhiều năm liền được UBND tỉnh công nhận danh hiệu tập thể lao động xuất sắc và được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.

     ​


Văn phòng sở