Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nâng cao điều kiện, tiêu chuẩn, lương cán bộ, công chức sẽ thế nào?

Tuyên truyền phổ biến Lĩnh vực Cán bộ, công chức, viên chức  
Nâng cao điều kiện, tiêu chuẩn, lương cán bộ, công chức sẽ thế nào?
Tiêu chuẩn nâng cao thì lương cán bộ, công chức, viên chức thời gian tới thay đổi ra sao là vấn đề Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trao đổi với báo chí bên lề hành lang Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, tiêu chuẩn, điều kiện để nâng cao chất lượng cán bộ công chức, viên chức thể hiện 4 vấn đề. 
Thứ nhất, Bộ Nội vụ dự kiến quy định là khi đã phân cấp cho các địa phương, Bộ, ngành thì hạn chế tối đa các Bộ, ngành quy định tiêu chuẩn cụ thể để bắt địa phương làm theo vì đây là phân cấp của địa phương. 
Ví dụ, Bộ Nội vụ cũng không quy định tiêu chí cụ thể tiêu chuẩn của Giám đốc Sở Nội vụ như thế nào. Bộ chỉ thực hiện khung đó, trên cơ sở khung đó thì cán bộ quản lý thuộc cấp nào thì cấp đó quy định, hạn chế tối đa Bộ, ngành cấp trên ấn định tiêu chuẩn cụ thể để các sở, địa phương ở dưới phải làm theo. 
Thứ hai, xây dựng tiêu chuẩn này cũng bảo đảm đúng theo Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị Trung ương khóa XII. Theo đó, tiêu chuẩn cán bộ đòi hỏi chất lượng là chính. Xây dựng tiêu chuẩn cán bộ cũng là yêu cầu cơ sở để chúng ta xác định vị trí việc làm và cũng là cơ sở cho việc trả lương theo vị trí việc làm. 
“Giờ cán bộ không thể nói là anh ở vị trí này thì anh không phải bảo đảm tiêu chuẩn. Còn xây dựng ngạch sau này, mình trả lương theo chức vụ thì anh đương nhiên chức vụ đó thì hưởng ngạch đó, còn không phải là chức vụ lãnh đạo, quản lý thì anh tiếp tục xét hoặc thi nâng ngạch. Thi nâng ngạch thì cơ cấu trong vị trí việc làm của một ngành, lĩnh vực đó thì được bao nhiêu chuyên viên chính, bao nhiêu chuyên viên cao cấp, thì chỉ bố trí đủ thôi. Khi nào chuyên viên chính nghỉ hưu thì tiếp tục bố trí vị trí chuyên viên chính tương ứng”, Bộ trưởng Tân giải thích.
Thứ ba, tiêu chuẩn đánh giá cán bộ trong thời gian qua là vấn đề yếu nhất, cũng là khâu đầu tiên quan trọng trong việc quy hoạch đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Lần này, tiêu chuẩn đánh giá cán bộ chúng ta thực hiện theo kết luận của Trung ương. Tức là, chúng ta đánh giá bằng sản phẩm cụ thể của công việc, lấy chất lượng công việc làm chính. 
Cuối cùng, chúng ta thực hiện đánh giá từ trên xuống dưới, trên đánh giá dưới, ở dưới đánh giá lên, đánh giá đa chiều, đánh giá ngang. Như vậy, chúng ta sẽ thực hiện đánh giá rất nghiêm túc. Và Bộ trưởng nhấn mạnh lần nữa, quan trọng nhất, cốt lõi nhất là sản phẩm. 
Với tiêu chuẩn trên thì liệu lương của cán bộ công chức thế nào là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định, chủ trương đề án tiền lương là bảo đảm thu nhập cao hơn thu nhập cũ, đó là nguyên tắc mà Bộ Chính trị đã đặt ra. 
“Còn vấn đề cao hơn ở vị trí nào, cao hơn bao nhiêu thì theo đặc thù của từng ngành. Như lực lượng vũ trang khác, tòa án khác, viện kiểm sát khác, công chức trong cơ quan hành chính nhà nước thì có vị trí khác nhau. Chúng ta xác định rằng, người nào làm công việc ở vị trí phức tạp hơn thì sẽ hưởng lương cao hơn. Như vậy thì chúng ta mới gọi là vị trí việc làm”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân bổ sung.
Nguồn: Baophapluat.vn