Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp, các ngành

Tin tức - Sự kiện  
Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp, các ngành

Ngày 19/10/2023, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 422/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương, giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị “về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng”. Ảnh: VGP

Thông báo số 422/TB-VPCP nêu rõ: Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong công tác thi đua, khen thưởng thời gian vừa qua, chúng ta cần rút ra một số bài học kinh nghiệm sau đây:

Một là: các bộ, ngành, địa phương cần thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Càng khó khăn thì càng phải thi đua” để huy động được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đặt ra trong năm 2023.

Hai là: cần bám sát sự lãnh đạo của Đảng, căn cứ tình hình thực tiễn để tổ chức các phong trào thi đua phù hợp với từng ngành, lĩnh vực, địa phương, bảo đảm khả thi, thiết thực, hiệu quả, tránh bệnh hình thức. Đặc biệt lưu ý, thi đua, khen thưởng phải xuất phát từ Nhân dân; Nhân dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể của phong trào thi đua; mọi cơ chế, chính sách phải hướng tới Nhân dân và vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước.

Ba là: tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về thi đua, khen thưởng, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ nhằm thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước.

Bốn là: phong trào thi đua phải gắn với lợi ích chung, đồng thời phải hài hòa với lợi ích riêng để tạo sức sống, nuôi dưỡng các phong trào thi đua.

Năm là: quan tâm công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá đôn đốc, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, kịp thời khen thưởng, tránh việc phát động phong trào hình thức, để xảy ra sai sót.

Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu công tác thi đua, khen thưởng cần tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

Tiếp tục bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ đã được Đảng, Nhà nước đề ra; phát hiện các vướng mắc, bất cập, hạn chế, yếu kém trong quá trình tổ chức thực hiện để có hình thức thi đua phù hợp, hiệu quả. Triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả các nhiệm vụ thi đua, khen thưởng, tập trung vào các đột phá của đất nước, các nhiệm vụ chính trị của từng bộ, ban, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể. Huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia vào các phong trào thi đua; tạo khuôn khổ pháp lý để người dân và doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào các phong trào thi đua.

Tiếp tục triển khai tích cực các phong trào thi đua, trọng tâm là các phong trào thi đua như: Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025...

Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã thảo luận và thống nhất phát động Phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” từ nay đến năm 2025. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan tổ chức triển khai.

Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nhân rộng các mô hình hay, những điển hình tiên tiến, gương “Người tốt, việc tốt”, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền trên không gian mạng. Thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp giữa cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng với các cơ quan thông tin, truyền thông trong phát hiện, tuyên truyền các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những tấm gương có thành tích xuất sắc trong công tác, lao động, học tập, các tập thể, cá nhân Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Đẩy mạnh tuyên truyền tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị “về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng”; thực hiện Kết luận 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; các phong trào thi đua yêu nước; kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước. 

Tiếp tục hoàn thiện pháp luật, chính sách về thi đua khen thưởng. Thời gian tới có nhiều Nghị định về thi đua, khen thưởng cần được thay thế để tạo sự đồng bộ trong triển khai thi hành Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022. Đề nghị các bộ, cơ quan có liên quan khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ các dự thảo Nghị định thay thế bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng, trong đó đặc biệt lưu ý việc phân cấp, phân quyền và đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, đột xuất, cá nhân dũng cảm cứu người, cứu tài sản,... Chú trọng khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, nhà khoa học, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đội ngũ giáo viên, y bác sĩ... Quan tâm khen thưởng tập thể và cá nhân ở cơ sở, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng phụ nữ tiêu biểu, người yếu thế có ý chí tự lực, tự cường vươn lên. Chủ động đề xuất khen thưởng các doanh nghiệp, doanh nhân đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, làm tốt công tác giải quyết công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người lao động, người dân, tham gia tích cực vào hoạt động từ thiện, an sinh xã hội; các tập thể, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài, bạn bè quốc tế có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp, các ngành; phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các thành viên Hội đồng trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng.

Tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện các phong trào thi đua, công tác khen thưởng, bảo đảm đúng quy định, kịp thời, công khai, minh bạch, tránh hình thức, phô trương, lãng phí, tiêu cực.

Giao Bộ Nội vụ:

Tiếp tục triển khai mạnh mẽ, thực chất việc thực hiện các Phong trào thi đua: ''Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” và "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030". Khẩn trương thực hiện công tác chuẩn bị để phát động Phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” từ nay đến năm 2025, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10 năm 2023.

Khẩn trương phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan liên quan xây dựng Kế hoạch để làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện Phong trào thi đua "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030".

Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị “về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng”; trên cơ sở đó đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc ban hành chủ trương mới để tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng trong tình hình hiện nay./.​


Văn phòng