Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Luật Lưu trữ (sửa đổi): Thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và...

Tin tức - Sự kiện  
Luật Lưu trữ (sửa đổi): Thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế
Nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập quốc tế, đổi mới hoạt động quản lý và thực hiện các nghiệp vụ về lưu trữ, khắc phục những bất cập, hạn chế. Bảo đảm hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của Luật Lưu trữ và đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành; bảo đảm nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý tài liệu lưu trữ, cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ và hoạt động lưu trữ, việc xây dựng, ban hành Luật Lưu trữ (sửa đổi) là cần thiết.


Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà tiếp thu, giải trình, làm rõ một số nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm cho ý kiến về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 18/9/2023.

Kết quả đạt được, những bất cập, hạn chế của Luật Lưu trữ năm 2011 

Luật Lưu trữ năm 2011 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về lưu trữ của Bộ Nội vụ và các bộ, ngành, địa phương; hệ thống tổ chức lưu trữ các cấp, lưu trữ cơ quan và người làm lưu trữ từng bước được kiện toàn, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; cơ sở vật chất và kinh phí dành cho lưu trữ được quan tâm đầu tư; tài liệu lưu trữ bảo quản tại các Trung tâm Lưu trữ quốc gia, Trung tâm lưu trữ lịch sử ở địa phương và Lưu trữ cơ quan cơ bản đã được chỉnh lý, xác định giá trị, bảo vệ, bảo quản an toàn, sử dụng có hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân… 

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Lưu trữ năm 2011 đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, một số quy định không còn phù hợp với tình hình thực tiễn, nhất là với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (trong đó có lĩnh vực lưu trữ) để tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước.

Nhiều quy định tại Luật Lưu trữ năm 2011 còn mang tính nguyên tắc chung hoặc chưa có các điều, khoản giao cho cơ quan nhà nước có đủ thẩm quyền chủ trì hoặc các cơ quan nhà nước có liên quan để nghiên cứu, ban hành văn bản quy định và hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực thi Luật Lưu trữ năm 2011 còn xuất phát từ nhiều vấn đề chủ quan và khách quan, trong đó có: vấn đề tổ chức, nhân sự làm công tác lưu trữ; nhận thức về vai trò, vị trí của công tác lưu trữ, việc tuân thủ pháp luật trong công tác lưu trữ; việc ban hành văn bản và chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện quy định của pháp luật về lưu trữ; khả năng bố trí ngân sách của cơ quan, tổ chức và địa phương để xây dựng kho lưu trữ chuyên dụng, kho lưu trữ số và chỉnh lý tài liệu tồn đọng, số hóa tài liệu; tình hình ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong lưu trữ… thể hiện trên các mặt sau:

Thứ nhất, sau khi có Luật Lưu trữ năm 2011, Đảng đã có nhiều chủ trương, chính sách mới về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập quốc tế; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình, đề án, chiến lược thực hiện chủ trương của Đảng, trong đó có lĩnh vực lưu trữ. Trong quá trình triển khai thực hiện có những vấn đề đã được thực tiễn kiểm nghiệm, khẳng định tính hiệu quả cần được tổng hợp, khái quát và luật hóa, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc xây dựng nền lưu trữ hiện đại, góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lưu trữ. 

Thứ hai, nhiều vấn đề của thực tiễn chưa được Luật Lưu trữ năm 2011 quy định hoặc đã được quy định nhưng chưa cụ thể, gây khó khăn trong quá trình thực hiện, như: về quản lý tài liệu lưu trữ; về quản lý tài liệu lưu trữ điện tử đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính, hội nhập quốc tế, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; về lưu trữ tư; về quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ, gồm: quy định về hoạt động dịch vụ lưu trữ phải đăng ký Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dịch vụ lưu trữ... Từ đó, việc xây dựng, ban hành Luật Lưu trữ (sửa đổi) là cần thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập quốc tế, đổi mới hoạt động quản lý và thực hiện các nghiệp vụ về lưu trữ, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác lưu trữ hiện nay. 

Luật Lưu trữ (sửa đổi) đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ được giao chủ trì xây dựng dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, soạn thảo và hoàn thiện dự án Luật trình Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. 

Quá trình triển khai xây dựng, hoàn thiện, Bộ Nội vụ đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của bộ, ngành, địa phương; các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và ý kiến của Nhân dân. Đồng thời, nghiên cứu, tham khảo nhiều Luật Lưu trữ của các nước, như Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Pháp, Đức, Úc, Áo, Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Qua rà soát, xác định 37 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Luật Lưu trữ năm 2011, như, Bộ luật, Luật: 13 văn bản; văn bản hướng dẫn: 24 văn bản.

Kết quả rà soát cho thấy, quy định pháp luật có liên quan đến tài liệu lưu trữ và hoạt động lưu trữ rất đa dạng, được đề cập tại nhiều cấp độ văn bản (luật, pháp lệnh, nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ) trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như: (1) Các quy định trực tiếp về lưu trữ: được ghi nhận tại Luật Lưu trữ năm 2011, gồm các nội dung cơ bản, mang tính nguyên tắc như: khái niệm, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động lưu trữ; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ lưu trữ; hoạt động dịch vụ lưu trữ và quản lý về lưu trữ. (2) Các quy định có liên quan đến lưu trữ: được ghi nhận tại Bộ luật dân sự; Luật Di sản văn hóa; Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật Tiếp cận thông tin; Luật Công nghệ thông tin; Luật Giao dịch điện tử; Luật An ninh mạng; Luật An toàn thông tin mạng; Luật Trưng mua, trưng dụng; Luật Phí, lệ phí; Luật Đầu tư.

Trên cơ sở kế thừa các nội dung của Luật Lưu trữ năm 2011 về những quy định chung, hoạt động nghiệp vụ lưu trữ, dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) sửa đổi, bổ sung tập trung vào 04 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 03/12/2021, gồm: 

Thứ nhất, quy định về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ, đã bổ sung các quy định về thẩm quyền quản lý tài liệu Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam theo hướng phân định rõ thẩm quyền quản lý cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ; tài liệu Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam và Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam giữa cơ quan có thẩm quyền của Đảng và cơ quan quản lý Nhà nước về lưu trữ; phân cấp quản lý tài liệu lưu trữ giữa cơ quan lưu trữ của Nhà nước ở Trung ương và ở địa phương… Các quy định bổ sung nhằm tạo hành lang pháp lý thống nhất quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phân cấp và phân định rõ thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ giữa các cơ quan quản lý, giữa Lưu trữ cơ quan và Lưu trữ lịch sử. 

Thứ hai, quy định về tài liệu lưu trữ điện tử, đã làm rõ giá trị pháp lý của tài liệu lưu trữ điện tử, giá trị của bản chính, bản số hóa tài liệu lưu trữ trong việc quản lý và thực hiện các giao dịch điện tử; quy định những yêu cầu của Hệ thống quản lý tài liệu lưu trữ điện tử, Kho lưu trữ số; thực hiện nghiệp vụ về thu thập, bảo quản, sử dụng tài liệu lưu trữ điện tử. Các quy định nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng; đẩy mạnh chuyển đổi số hoạt động lưu trữ, đáp ứng yêu cầu xây dựng Lưu trữ số, Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; đồng thời để bảo đảm thống nhất, đồng bộ, phù hợp với quy định trong các luật chuyên ngành về công nghệ thông tin, giao dịch điện tử, an ninh mạng, tiếp cận thông tin, bảo vệ bí mật nhà nước… đáp ứng yêu cầu kết nối và chia sẻ dữ liệu tài liệu lưu trữ của các cơ quan, tổ chức. 

Phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sáng 18/9/2023) cho ý kiến về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, qua nghiên cứu hồ sơ dự án Luật này, nhận thấy cơ quan soạn thảo, trực tiếp là Chính phủ và Bộ Nội vụ đã chuẩn bị hồ sơ rất công phu, nghiêm túc và trách nhiệm.

Thứ ba, quy định về quản lý tài liệu lưu trữ tư, quy định giá trị của tài liệu lưu trữ tư; trách nhiệm của Nhà nước, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc quản lý, sử dụng tài liệu lưu trữ tư; thành lập, tổ chức lại, giải thể và hoạt động của tổ chức lưu trữ tư. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về việc lưu giữ, bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu tư phục vụ lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia. Những quy định này vừa bảo đảm phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ tư, vừa bảo đảm quản lý nhà nước, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước và tổ chức, cá nhân trong quản lý tài liệu lưu trữ tư và hoạt động dịch vụ lưu trữ. 

Thứ tư, quy định về hoạt động dịch vụ lưu trữ, quy định 02 hoạt động dịch vụ lưu trữ (kinh doanh bảo quản tài liệu lưu trữ giấy, tài liệu lưu trữ khác và kinh doanh Kho lưu trữ số) phải đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện; điều kiện để tổ chức, cá nhân được tham gia hoạt động dịch vụ lưu trữ; quy định thẩm quyền cấp và đối tượng được cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ. Các quy định nhằm đáp ứng yêu cầu, điều kiện để tổ chức lưu trữ tư khi tham gia kinh doanh dịch vụ lưu trữ được tiếp cận tài liệu lưu trữ chứa thông tin quan trọng trong hoạt động quản lý của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và tài liệu lưu trữ có giá trị quốc gia. Bên cạnh đó, việc tham gia của các doanh nghiệp vào hoạt động bảo quản tài liệu lưu trữ nếu không đáp ứng yêu cầu chặt chẽ của pháp luật sẽ dẫn đến nguy cơ mất tài liệu, mất dữ liệu; lộ lọt thông tin, dữ liệu không được sao lưu. Đồng thời, việc quy định thẩm quyền cấp và đối tượng được cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ nhằm bảo đảm yêu cầu về năng lực, thái độ của cá nhân khi tham gia hoạt động dịch vụ lưu trữ, đáp ứng quy định của ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. 

Để bảo đảm chất lượng quy định TTHC, bảo đảm hồ sơ thẩm định đầy đủ theo đúng quy định của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã thực hiện đánh giá tác động TTHC đối với 02 TTHC: Thủ tục cấp, cấp lại Chứng chỉ hành nghề lưu; Thủ tục cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ lưu trữ trữ theo đúng quy định hiện hành. Dự thảo Luật gồm 09 chương, 68 điều (tăng 02 chương, 26 điều so với Luật Lưu trữ năm 2011).

Dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) đủ điều kiện để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, đó là kết luận của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sáng 18/9/2023), xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi)./.


Văn phòng