Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Luật Lưu trữ (sửa đổi): Góp phần tạo nên những giá trị gắn kết lịch sử quá khứ, hiện tại và tương lai

Tin tức - Sự kiện  
Luật Lưu trữ (sửa đổi): Góp phần tạo nên những giá trị gắn kết lịch sử quá khứ, hiện tại và tương lai
Chiều 27/11/2023, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.


Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Giải trình vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, các ý kiến phát biểu rất sâu sắc, toàn diện, phong phú và có chất lượng. Thay mặt ban soạn thảo, Bộ trưởng tiếp thu tối đa, nghiên cứu để tiếp tục phối hợp với cơ quan thẩm tra hoàn chỉnh dự thảo Luật, đáp ứng được mong mỏi chung của đại biểu Quốc hội, cũng như của toàn dân.

Bộ trưởng cũng đã giải trình làm rõ hơn về một số nguyên tắc chung trong quá trình sửa đổi Luật. Theo đó, đây là luật chuyên ngành nhưng lại là luật mà có ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hóa và khoa học, góp phần tạo nên những giá trị gắn kết lịch sử quá khứ, hiện tại và tương lai.

Giải trình vấn đề đại biểu quan tâm về lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đây là nội dung mới được thiết kế thành một chương riêng, nhằm mục đích hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chính quyền điện tử và xã hội số, công dân số. Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật, ban soạn thảo cố gắng đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với các luật chuyên ngành về công nghệ thông tin, về giao dịch điện tử, về an ninh mạng, về bảo vệ bí mật nhà nước… đáp ứng được yêu cầu kết nối và chia sẻ dữ liệu, thông tin về tài liệu lưu trữ.

Vấn đề đại biểu quan tâm và đề nghị làm rõ hơn về nghiệp vụ lưu trữ điện tử và lưu trữ số và phải gắn với chuyển đổi số, Bộ trưởng trân trọng tiếp thu để hoàn thiện thêm, trong đó quy định lộ trình đảm bảo nguồn lực bố trí các điều kiện để thực hiện nội dung này.

Tài liệu lưu trữ là tài liệu quý giá, là tài nguyên thông tin đa dạng, phong phú trong đó có rất nhiều tài liệu có giá trị quý hiếm của quốc gia, dân tộc và là di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam. Do vậy, việc sửa đổi Luật bám sát các nguyên tắc đó là sửa đổi căn bản toàn diện trên tinh thần chủ trương của Đảng đối với lĩnh vực lưu trữ; vừa kế thừa, vừa bổ sung vừa phát triển toàn diện về luật hiện hành; đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế và đảm bảo đồng bộ, không chồng chéo với hệ thống pháp luật hiện hành. 

Bộ trưởng nhấn mạnh, vấn đề cốt lõi nhất của lưu trữ đó chính là bảo quản và lưu trữ, phát huy vai trò và sứ mệnh giá trị của tài liệu lưu trữ - đây là mục tiêu quan trọng và là sứ mệnh của tài liệu lưu trữ, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam và cũng là để thúc đẩy mạnh mẽ xã hội hóa về lĩnh vực lịch sử.

Giải trình vấn đề được đại biểu quan tâm liên quan đến lưu trữ tư, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, mô hình lưu trữ tư nhân chưa được pháp luật quy định một cách đầy đủ và tham khảo nhiều quốc gia trên thế giới. Tiếp thu ý kiến đại biểu, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu để thiết kế một cách cụ thể hơn, định hướng hỗ trợ hoạt động lưu trữ tư rõ ràng, mạch lạc và các tổ chức, cá nhân có quyền, trách nhiệm cụ thể trong quản lý lưu trữ tư, nhằm phát huy tối đa vai trò của khu vực tư trong quản lý lưu trữ và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng giải trình ý kiến đại biểu về quy định liên quan đến lưu trữ ở cấp xã, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này; về hoạt động dịch vụ lưu trữ; về ngành nghề kinh doanh có điều kiện...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận nội dung thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trong phiên họp chiều nay, có 22 lượt ý kiến phát biểu, không có đại biểu tranh luận. Các ý kiến phát biểu sôi nổi, khẩn trương, ngắn gọn với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao, cơ bản thống nhất với việc sửa đổi toàn diện Luật Lưu trữ với nhiều nội dung mới.

Đồng thời các đại biểu cũng đề cập nhiều vấn đề từ thực tiễn phong phú sinh động, từ cơ sở, từ yêu cầu kế thừa và phát huy các yếu tố truyền thống, kết hợp với hiện đại hóa, thực hiện có hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ để đổi mới toàn diện, đồng bộ công tác lưu trữ, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến đề xuất để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật với nhiều quy định chi tiết, vừa bao quát, vừa cụ thể cả về nội dung quy định, cả về kỹ thuật lập pháp. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, yêu cầu đặt ra với cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra là tiếp tục tiếp thu đầy đủ, xác đáng, nghiêm túc ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh dự thảo Luật. Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã báo cáo làm rõ các vấn đề quan trọng mà đại biểu quan tâm.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, ngay sau kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo các cơ quan thẩm tra, cơ quan trình và các cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu, giải trình thấu đáo các ý kiến của đại biểu Quốc hội, lấy thêm các ý kiến của chuyên gia, cơ quan, các nhà quản lý, các hội nghị, hội thảo để hoàn chỉnh dự thảo Luật, báo cáo tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để hoàn chỉnh, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024./.


Văn phòng