Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo cải cách hành chính

Tuyên truyền phổ biến Lĩnh vực Cải cách hành chính  
Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo cải cách hành chính

Những năm qua, với việc đánh giá khách quan Chỉ số SIPAS đã mang đến góc nhìn toàn diện về chất lượng cung ứng dịch vụ công thông qua ý kiến phản hồi của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Qua chấm điểm SIPAS năm 2020 cho thấy, kết quả đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Nam đạt trung bình 88,39%, xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố, giảm 6 bậc so với năm 2019; xếp thứ 7/11 tỉnh Đồng bằng sông Hồng năm 2020. Trong đó, 5/5 tiêu chí có tỷ lệ đánh giá hài lòng đều trên 80%, cụ thể: Tiếp cận dịch vụ 99,70%; Thủ tục hành chính (TTHC) 90,44%; Công chức tiếp nhận và giải quyết TTHC 89,13%; Kết quả giải quyết TTHC 91,31%; Việc tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức 81,48%. Chỉ số SIPAS trung bình của tỉnh giai đoạn 2017 – 2020 xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố với tỷ lệ hài lòng 86,95%.

Thông qua phiếu khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2020 cũng cho thấy, tại Hà Nam, 67,90% người dân, tổ chức đánh giá đã được tiếp cận thông tin về cơ quan tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC thông qua cán bộ, công chức (CBCC) cấp xã; 78,80% người dân chỉ cần 1 lần tới cơ quan hành chính đã được giải quyết xong hồ sơ; 95,40% hồ sơ được trả trước và đúng hẹn; 89,41% ý kiến đánh giá công chức có thái độ giao tiếp lịch sự,… Những điểm số này phần nào đã phản ánh một cách khách quan những nỗ lực của tỉnh trong xây dựng chính quyền vì nhân dân phục vụ. Đặc biệt, từ năm 2019, bắt đầu từ mô hình điểm “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ" tại thị trấn Bình Mỹ (Bình Lục), đến hiện tại, hầu hết các xã, phường trên địa bàn đã áp dụng mô hình này để giúp người dân tiếp cận và giải quyết TTHC một cách thuận tiện, nhanh chóng nhất trên nguyên tắc “5 biết, 3 thể hiện". 

Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tỉnh đã đẩy mạnh cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, khuyến khích người dân nộp và nhận kết quả TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. Hiện tại, Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh đang cung ứng 1.967 TTHC mức độ 3 và 4 (đạt 93%). Thông qua khảo sát, trên 90% phản ánh đã được CBCC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và cấp huyện hướng dẫn thực hiện tiếp nhận hồ sơ qua Internet và nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính. Người dân cũng có thể dễ dàng gửi phản ánh, kiến nghị của mình thông qua hòm thư góp ý, số điện thoại đường dây nóng hoặc của lãnh đạo địa phương được công bố công khai tại bộ phận “một cửa", đánh giá qua hệ thống mạng internet tại địa chỉ website motcua.hanam.gov.vn


Phòng Cải cách hành chính