Tại điểm cầu Hà Nam, đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ; thành viên BCĐ CCHC tỉnh, lãnh đạo các Sở, ngành thuộc UBND tỉnh...
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ sự cần thiết đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, xây dựng tổ chức bộ máy Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tiếp tục được Đảng, Nhà nước xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta trong giai đoạn mới.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam.
Thủ tướng khẳng định: Nhiều năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự cố gắng nỗ lực và quyết tâm cao của các cấp các ngành, các địa phương, thành viên BCD, công tác CCHC đã có những chuyển biến tích cực, toàn diện trên cả 6 lĩnh vực: Cải cách thể chế (CCTC), Cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC), cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước (CCTCBMHCNN), cải cách chế độ công vụ (CCCĐCV), Cải cách hành chính công (CCHCC), Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số (XD & PT CP ĐT, CPS). Trong đó, CCTC, CCTTHC, CCCĐCV đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận góp phần quan trọng phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Tuy nhiên, TTHC vẫn còn rườm rà, chưa thực sự thông thoáng, người dân doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn khi phải giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực. Kỷ luật, kỷ cương hành chính nhiều nơi còn chưa nghiêm, tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm chưa được giải quyết triệt để...
Những tồn tại hạn chế đó cần sớm khắc phục, mau chóng khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực để phục hồi và phát triển đất nước trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay.
Thủ tướng đề nghị Hội nghị cần tập trung đánh giá, làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong cải cách hành chính nói chung, nhất là những vấn đề nổi lên, những vấn đề người dân quan tâm, đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ thời gian tới trong công tác cải cách hành chính, khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phục hồi, phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay..
Báo cáo công tác CCHC 10 tháng đầu năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ 2 tháng cuối năm 2023 của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn đối với cải cách hành chính, nhất là cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách tổ chức bộ máy hành chính , cải cách TTHC, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban chỉ đạo đã chủ trì 03 phiên họp của Ban Chỉ đạo, đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh việc rà soát, ban hành các giải pháp cụ thể, thiết thực, tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính; bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, xem xét tình hình, chuyển biến thực tế để rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính.
Các thành viên Ban Chỉ đạo và Thường trực Ban Chỉ đạo đã kiểm tra công tác cải cách hành chính tại các tỉnh, thành phố theo kế hoạch: Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Lạng Sơn, Bến Tre. Bộ Công an đã kiểm tra tại các địa phương: An Giang, Long An, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Bình Định, Điện Biên, Hòa Bình. Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra tại tỉnh Bắc Giang…
Theo thống kê, tỷ lệ hồ sơ được cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử của các bộ, ngành đạt 26,93% (tăng 16,15% so với cùng kỳ năm 2022), các địa phương đạt 40,91% (tăng 27,77% so với cùng kỳ năm 2022); việc chuyển từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử của cấp bộ đạt 82,42% (tăng 30,73% so với cùng kỳ năm 2022), địa phương đạt 70,15% (tăng 31,31% so với cùng kỳ năm 2022).
Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, công tác CCHC vẫn còn tồn tại: Tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục. Tính đến nay, vẫn còn 12 văn bản thuộc trách nhiệm quy định chi tiết của Chính phủ, các Bộ chưa được ban hành; Việc kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết TTHC còn bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập, có nơi, có lúc gây phiền hà cho người dân; việc rà soát, đồng bộ kết quả giải quyết hồ sơ TTHC lên Cổng dịch vụ công quốc gia ở một số nơi chưa kịp thời; việc số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC còn hạn chế; việc thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn hình thức, chưa thực chất, chưa hiệu quả, tình trạng công chức nộp hồ sơ trực tuyến thay cho công dân diễn ra khá phổ biến...
Riêng đối với Hà Nam, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến thực tế trên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử còn thấp; Việc tác nghiệp nhập hồ sơ thủ tục hành chính lĩnh vực đăng ký kinh doanh phải nhập liệu 02 lần cùng một nội dung (01 lần nhập lên hệ thống của tỉnh và 01 lần nhập lên cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp). Nguyên nhân do nhiều thủ tục hành chính trên thực tế không phát sinh hồ sơ trong năm do người dân không có nhu cầu; Hệ thống hành chính công điện tử tỉnh Hà Nam (đối với thủ tục đăng ký kinh doanh) với Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp chưa được tích hợp, kết nối.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại cuộc họp Thủ tướng nêu rõ cần nỗ lực, cố gắng, quyết tâm hơn nữa trong công tác cải cách hành chính, đem lại hiệu quả thiết thực, cụ thể, cao hơn nữa cho người dân, đưa đất nước tiếp tục phát triển.Thủ tướng nhấn mạnh chính quyền phải mang lại cảm hứng, truyền động lực, huy động được nguồn lực của người dân; bởi nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ Nhân dân. Thủ tướng phê bình, yêu cầu rút kinh nghiệm đối với các đồng chí lãnh đạo đứng đầu nhiều tỉnh, thành phố không có mặt dự họp ở các điểm cầu. Nói về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương khi xây dựng thể chế, chỉ đạo thực hiện công tác CCHC, Thủ tướng cho rằng: Chúng ta phải có cảm xúc với các phát biểu của các đồng chí đại biểu quốc hội, với những gì mà người dân và doanh nghiệp đang gặp vướng mắc…
Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của CCHC đối với sự phát triển, hội nhập quốc tế của đất nước; Đẩy mạnh thực hiện 6 nội dung về CCHC trên cơ sở thay đổi tư duy, cách tiếp cận thực tiễn, tuyệt đối không đùn đẩy trách nhiệm; Các địa phương cần rà soát, đổi mới tư duy trong công tác cải cách hành chính; Các đồng chí Bí thư cấp ủy, chính quyền các cấp phải đẩy mạnh các hoạt động đối thoại, lắng nghe, cầu thị, tiếp cận ý kiến của người dân và doanh nghiệp; Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nghiêm cấm việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung…