Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Giới thiệu Thông tư số 07/2024/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ

Tuyên truyền phổ biến  
Giới thiệu Thông tư số 07/2024/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ

Ngày 01/7/2024, Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư 07/2024/TT-TTCP quy định về thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, Thông tư có 14  Điều và có hiệu lực áp dụng từ ngày 15/8/2024, cụ thể:

Chương 2: Về thẩm quyền: Từ Điều 3 đến Điều 7 quy định thẩm quyền thanh tra trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra Sở, Thanh tra cấp huyện.

Chương 3: Về nội dung thanh tra: Từ điều 9 đến Điều 13 quy định nội dung thanh tra gồm:

                I. Nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra

1. Nội dung quản lý nhà nước về thanh tra

a) Công tác tham mưu, xây dựng, ban hành và hướng dẫn thực hiện quy định về tổ chức, hoạt động thanh tra thuộc thẩm quyền (nếu có);

b) Thực hiện trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra theo quy định của Luật Thanh tra;

c) Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo;

d) Lập, quản lý, khai thác, sử dụng và lưu trữ hồ sơ thanh tra và các nội dung khác theo quy định của pháp luật về thanh tra.

2. Hoạt động thanh tra

a) Công tác tổ chức xây dựng kế hoạch thanh tra, ban hành kế hoạch thanh tra, thực hiện kế hoạch thanh tra;

b) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra trong quá trình thanh tra;

c) Thực hiện thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra; xây dựng và phê duyệt kế hoạch tiến hành thanh tra; chấp hành thời hạn thanh tra; trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra; báo cáo kết quả thanh tra; kết luận thanh tra, công khai kết luận thanh tra; xử lý vi phạm về thanh tra và theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra;

d) Giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra, thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra;

đ) Thực hiện trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc ban hành văn bản tổ chức thực hiện kết luận thanh tra và chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra; xử lý hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý sai phạm về kinh tế; xử lý hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật; áp dụng hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật.

II. Nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân

1. Nội dung quản lý nhà nước về tiếp công dân

a) Công tác tham mưu, xây dựng, ban hành và hướng dẫn thực hiện quy định về tiếp công dân (nếu có);

b) Theo dõi, tổng hợp, báo cáo tình hình tiếp công dân và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh;

c) Thực hiện quy định tiêu chuẩn, chế độ, chính sách đối với người tiếp công dân.

2. Hoạt động tổ chức công tác tiếp công dân

a) Thực hiện trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức công tác tiếp công dân; thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân bao gồm: ban hành nội quy, quy chế tiếp công dân; bố trí trụ sở, địa điểm tiếp công dân; mở sổ ghi chép công tác tiếp công dân của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị và công tác tiếp công dân thường xuyên; công khai lịch tiếp công dân của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị; ban hành thông báo kết luận tiếp công dân của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị (nếu có);

b) Tiếp công dân định kỳ và đột xuất của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị;

c) Xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật.

III. Nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại

1. Nội dung quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại

a) Công tác tham mưu, xây dựng, ban hành và hướng dẫn việc thực hiện quy định về khiếu nại thuộc thẩm quyền (nếu có);

b) Theo dõi, tổng hợp, báo cáo tình hình khiếu nại và kết quả giải quyết khiếu nại;

c) Lập, quản lý, khai thác, sử dụng và lưu trữ hồ sơ vụ việc giải quyết khiếu nại.

2. Hoạt động giải quyết khiếu nại

a) Thụ lý giải quyết khiếu nại;

b) Chấp hành quy định về thời hạn giải quyết khiếu nại;

c) Tổ chức đối thoại;

d) Thực hiện quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, ban hành quyết định giải quyết khiếu nại;

đ) Công khai quyết định giải quyết khiếu nại;

e) Thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật; xử lý vi phạm pháp luật về khiếu nại (nếu có);

g) Xử lý vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp, tồn đọng, kéo dài (nếu có).

IV. Nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tố cáo

1. Nội dung quản lý nhà nước về công tác giải quyết tố cáo

a) Công tác tham mưu, xây dựng, ban hành và hướng dẫn thực hiện quy định về tố cáo thuộc thẩm quyền (nếu có);

b) Theo dõi, tổng hợp, báo cáo tình hình tố cáo và kết quả giải quyết tố cáo;

c) Lập, quản lý, khai thác, sử dụng và lưu trữ hồ sơ vụ việc giải quyết tố cáo.

2. Hoạt động giải quyết tố cáo

a) Tiếp nhận, xử lý ban đầu thông tin tố cáo;

b) Chấp hành quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo;

c) Thụ lý tố cáo, thực hiện trình tự, thủ tục xác minh nội dung tố cáo và thời hạn giải quyết tố cáo;

d) Tiếp nhận, xử lý thông tin có nội dung tố cáo;

đ) Ban hành kết luận nội dung tố cáo và xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo;

e) Bảo vệ người tố cáo;

g) Công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo.

V. Nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng

1. Nội dung quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng

a) Công tác xây dựng văn bản pháp luật, chương trình, kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng;

b) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống tham nhũng;

c) Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng.

2. Thực hiện các quy định phòng ngừa tham nhũng

a) Công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

b) Xây dựng, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ;

c) Thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn;

d) Chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn;

đ) Thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, thanh toán không dùng tiền mặt.

3. Thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập

a) Tổ chức kê khai tài sản, thu nhập; công khai bản kê khai tài sản, thu nhập;

b) Quản lý, cập nhật bản kê khai tài sản, thu nhập và các thông tin về kiểm soát tài sản, thu nhập; theo dõi biến động về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai;

c) Xác minh tài sản, thu nhập và công khai Kết luận xác minh tài sản, thu nhập;

d) Bảo vệ, lưu trữ, khai thác, cung cấp thông tin về kiểm soát tài sản, thu nhập;

đ) Xử lý người có hành vi vi phạm nghĩa vụ trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm; vi phạm quy định thời hạn kê khai tài sản, thu nhập và vi phạm các quy định khác về kiểm soát tài sản, thu nhập;

e) Xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập.

4. Phát hiện tham nhũng

a) Phát hiện tham nhũng qua công tác kiểm tra, tự kiểm tra;

b) Phát hiện tham nhũng qua công tác giải quyết phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng;

c) Phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra.

5. Xử lý tham nhũng

a) Xử lý người có hành vi tham nhũng;

b) Thu hồi tài sản tham nhũng;

c) Xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật phòng, chống tham nhũng.

6. Xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng.

7. Thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, báo cáo kiểm toán, các quyết định xử lý và việc chấp hành chỉ đạo của cấp trên về công tác phòng, chống tham nhũng./.​