Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tôn giáo ở Việt Nam

Tin tức - Sự kiện  
Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tôn giáo ở Việt Nam
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định công tác tôn giáo và đoàn kết dân tộc có vị trí chiến lược rất quan trọng. Đảng và Nhà nước luôn coi việc chăm lo cuộc sống cho đồng bào có đạo là trách nhiệm, nghĩa vụ và truyền thống của dân tộc; công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

rị. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị biểu dương các tổ chức tôn giáo có đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 30/8/2022. 

Thực tiễn đời sống tôn giáo ở Việt Nam 

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của công dân; đồng thời không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật về tín ngưỡng và tôn giáo, với chính sách nhất quán là tôn trọng và bảo đảm quyền con người cũng như quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Điều đó được chứng minh bằng việc Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp để phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo. Vì vậy, đồng bào các tôn giáo luôn sống “tốt đời, đẹp đạo”, “kính Chúa yêu nước”, “sống phúc âm trong lòng dân tộc”, góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của con người, của dân tộc Việt Nam, xây dựng nếp sống văn minh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Từ trước đến nay, đồng bào các tôn giáo luôn ý thức sâu sắc nghĩa vụ, trách nhiệm với vận mệnh quốc gia, dân tộc và với tôn giáo mà họ đã tự nguyện tham gia. Lòng yêu nước và lòng kính Chúa Giêsu, Đức Phật… đã hòa quyện, thống nhất trong đồng bào các tôn giáo, là nguồn gốc, động lực để họ dấn thân vào cuộc kháng chiến đầy gian lao, vất vả của dân tộc và hơn nữa là làm tròn nghĩa vụ, trách nhiệm của giáo dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định một cách tôn kính những phẩm hạnh tốt đẹp của Đức Phật Thích ca, của Chúa Giê su, như: “Đức Giê su hy sinh vì muốn loài người được tự do hạnh phúc, đồng bào ta cả lương và giáo cũng vì tự do hạnh phúc cho toàn dân mà hy sinh phấn đấu”(1). Vì vậy, Người chủ trương thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất để vận động, tập hợp tất cả các thành phần, lực lượng thực hiện nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc. Với quan niệm “Tổ quốc độc lập, tôn giáo mới tự do”, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kêu gọi “Toàn thể đồng bào ta, không chia lương, giáo, đoàn kết chặt chẽ, quyết lòng kháng chiến, để giữ gìn non sông, Tổ quốc mà cũng để giữ gìn quyền tôn giáo tự do”(2). Vì thế, đồng bào các tôn giáo luôn phát huy những mặt tốt đẹp của mình, tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, ổn định ở các địa bàn khác nhau, tạo thành bức tranh tôn giáo vừa phong phú, đa dạng, vừa thống nhất trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, đồng thời hướng đến mục tiêu chung cao cả, thống nhất là xây dựng nước Việt Nam độc lập, hòa bình, giàu mạnh, có uy tín, vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế. 

Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, mỗi tôn giáo có giáo lý, giáo luật, cơ sở thờ tự, đặc điểm hình thành, sự phát triển khác nhau. Song, các tôn giáo đều có tinh thần đoàn kết, bao dung, độ lượng, thực hiện lời răn dạy “kính Chúa yêu nước”, làm tốt “việc đời, việc đạo”, “dân tộc, đạo pháp, chủ nghĩa xã hội” đã trở thành khẩu hiệu, mục tiêu phấn đấu của đồng bào các tôn giáo. Trước sự phát triển của xu thế toàn cầu hóa, mở rộng quan hệ đối ngoại hợp tác, phát triển, trong lịch sử cũng như hiện nay bên cạnh dòng tôn giáo nội sinh là sự du nhập văn hóa ngoại sinh của thế giới và khu vực vào nước ta, tạo thành sự phức hợp, pha trộn giữa các tôn giáo.

Tính đến tháng 12/2021, Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo với trên 26,5 triệu tín đồ (chiếm trên 27% dân số cả nước), trong đó có trên 54.000 chức sắc, 13.550 chức việc, hơn 29.600 cơ sở thờ tự tôn giáo và khoảng trên 50.000 cơ sở tín ngưỡng(3).

Trong đó, có 05 chức sắc trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026; 88 chức sắc, chức việc và 35 tín đồ các tôn giáo trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; 225 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và 246 tín đồ trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện; 646 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và hơn 5.000 tín đồ trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã(4). 

Cả nước có khoảng 300 trường học và 2.000 cơ sở giáo dục mầm non, 12 cơ sở dạy nghề do các tôn giáo thực hiện; có trên 500 cơ sở y tế, phòng khám, chữa bệnh từ thiện, có 113 cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức Phật giáo, Công giáo, Cao Đài được cấp phép hoạt động, đang chăm sóc, nuôi dưỡng 11.800 đối tượng bảo trợ xã hội; có 17 đầu sách liên quan đến tôn giáo với số lượng 4.418 cuốn được đưa vào sử dụng tại thư viện của 54 trại giam(5). Trong chuyến thăm Tòa thánh Va ti can ngày 27/7/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Giáo hoàng Francis đánh giá việc thông qua Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng Đại diện thường trú Tòa thánh tại Việt Nam là bước tiến quan trọng trong bối cảnh quan hệ hai bên phát triển tích cực, là kết quả của quá trình trao đổi trên tinh thần tôn trọng, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau.

Thực tiễn đó cho thấy, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn về tự do tín ngưỡng, tôn giáo,  điều đó được biểu hiện ở nhiều mặt, nhiều lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa mới, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Quan điểm, đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo hoặc không theo tôn giáo, đồng bào tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam và được thể chế hóa bằng Hiến pháp, pháp luật.

Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16/10/1990 của Bộ Chính trị khóa VI về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới đã xác định “Tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài. Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”(6). Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ bảy khóa IX, ngày 12/3/2003 về công tác tôn giáo khẳng định: “Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật”(7). Điều 24 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 ghi rõ: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”(8); Nghị quyết Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(9). Cùng với đó, hệ thống văn bản về tín ngưỡng, tôn giáo từng bước được hoàn thiện, ban hành, như Pháp lệnh về Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016... đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo hoạt động vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tôn giáo ở Việt Nam

Bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống như: dịch bệnh, lũ lụt, động đất, chủ nghĩa khủng bố… ngày càng nghiêm trọng đe dọa đến cuộc sống và tính mạng của con người; mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo diễn ra ở nhiều nước trên thế giới, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động trong và ngoài nước tiếp tục lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng Việt Nam. Để khẳng định tính cách mạng, khoa học của công tác tôn giáo; quan điểm, đường lối về tôn trọng quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta, cần thực hiện có hiệu quả một số giải pháp sau: 

Một là, quán triệt sâu sắc, đầy đủ những quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước ta về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp khi giải quyết vấn đề tôn giáo cần dựa trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước ta về tín ngưỡng, tôn giáo. Thường xuyên tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, Nhân dân, nhất là trong chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; phát huy vai trò, trách nhiệm của từng thành tố trong hệ thống chính trị cơ sở, đặc biệt là người đứng đầu cơ sở tôn giáo trong hướng dẫn, tổ chức cho các tín đồ, phật tử làm tốt “việc đời, việc đạo”, đồng hành cùng với dân tộc, tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội của địa phương, đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào các tôn giáo để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc vững mạnh. 

Hai là, thực hiện tốt công tác vận động quần chúng trong đồng bào có đạo và đồng bào không có đạo đoàn kết đồng hành cùng dân tộc.

Đây là vấn đề cơ bản, cốt lõi xuyên suốt của công tác tôn giáo, đồng bào có đạo và không có đạo đều bình đẳng trước pháp luật, có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đồng bào có đạo hay không có đạo đều là con Lạc, cháu Hồng, vì vậy đều phải toàn tâm, toàn ý lo cho vận nước, an dân bách tính. Mỗi tôn giáo đều có tôn chỉ, mục đích hoạt động của riêng mình nhưng khi tham gia vào các sự kiện chính trị, xã hội khác nhau của đất nước đều phải đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc lên trên hết. Vì vậy, cần nâng cao tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu các tôn giáo, nhất là tính tiền phong, gương mẫu “nói đi đôi với làm”, làm nhiều hơn nói; xóa bỏ định kiến, khác biệt, đối xử, phân biệt giữa đồng bào có đạo và không có đạo; lấy điểm tương đồng xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, hùng cường, thịnh vượng để gắn kết đồng bào với nhau; đồng thời nâng cao năng lực tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục của đội ngũ cán bộ, công chức chuyên trách công tác tôn giáo. 

Cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần hướng dẫn, tuyên truyền, vận động đồng bào các tôn giáo tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; đấu tranh đẩy lùi những tiêu cực, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan ra khỏi đời sống xã hội; xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào các tôn giáo khơi dậy tiềm năng, thế mạnh trong tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương; làm tốt công tác vận động phát triển đảng viên, nhất là đảng viên trẻ là người tôn giáo, qua đó, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tôn giáo trong tình hình mới. 

Ba là, xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân có đạo hay không có đạo lợi dụng tôn giáo để tuyên truyền, kích động chống phá cách mạng Việt Nam.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các địa phương có cơ sở thờ tự, tín đồ tôn giáo; không để những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ dẫn đến những vụ việc phức tạp, để các thế lực thù địch lợi dụng lôi kéo đồng bào tôn giáo biểu tình, có hành vi chống đối, cản trở quá trình thực thi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương; gây khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển. Chú trọng thu thập, củng cố chứng cứ về các sai phạm của một số đối tượng cực đoan trong các tôn giáo và không phải tôn giáo để có biện pháp xử lý phù hợp. Làm việc với các tổ chức tôn giáo có liên quan, công khai những sai phạm để tín đồ và người dân được biết, tạo sự đồng thuận trong đấu tranh, xử lý; không để các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, mê tín dị đoan trục lợi gây bức xúc trong xã hội, chia rẽ Nhân dân, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo. Nêu cao tinh thần cảnh giác, không để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá ta về “dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo”, cản trở Việt Nam trong hội nhập và hợp tác quốc tế.

Bốn là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chuyên trách công tác tôn giáo ở các địa phương.

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chuyên trách công tác tôn giáo để họ nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo, đồng thời tích cực tham gia vào những hoạt động của đồng bào các tôn giáo, giúp các tín đồ, phật tử hiểu rõ và chấp hành đúng pháp luật. Đội ngũ chuyên trách công tác tôn giáo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, thường xuyên nâng cao trình độ, kiến thức, am hiểu một cách rất sâu sắc về quá trình ra đời, tồn tại, phát triển và đóng góp của tôn giáo đó cho cách mạng; hiểu được phong tục, tập quán, lối sống, sinh hoạt của các loại hình tôn giáo; nắm bắt được đặc điểm tâm lý của đồng bào tôn giáo, từ đó có thể tuyên truyền, vận động đồng bào hiểu, tự giác chấp hành pháp luật.

Bên cạnh đó, đội ngũ chuyên trách công tác tôn giáo ở các địa phương cần thường xuyên phối hợp với người đứng đầu các tôn giáo trong phổ biến, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo; năng động, nhạy bén, sáng tạo, mềm dẻo, khôn khéo trong xử trí các tình huống, kết hợp chặt chẽ với người có uy tín trong các chức sắc tôn giáo và chính quyền địa phương để kịp thời xử lý các vụ việc phức tạp xảy ra. Tích cực, chủ động nghiên cứu, nắm vững thông tin và kịp thời tham mưu về công tác tôn giáo đối với cấp ủy, chính quyền địa phương để góp phần nâng cao hiệu quả công tác tôn giáo, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./. 

-------------

Ghi chú:

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.95.

(2), (3), (4) https://dangcongsan.vn: Những thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, ngày 04/4/2023. 

(5) Bộ Chính trị khóa VI, Nghị quyết số 24/NQ-TW ngày 16/10/1990 về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới. 

(6) Nghị quyết số 25/NQ-TW Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, khóa IX về công tác tôn giáo. 

(7) Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb CTQG-ST, H.2015, tr.21.

(8) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG-ST H.2021, tr.171.

(9) Giáo trình chủ nghĩa xã hội khoa học, Nxb CTQG-ST, H.2006, tr.2​36


Văn phòng