Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Danh lam thắng cảnh Chùa Bầu (Thiên bảo Tự)

Tuyên truyền phổ biến Lĩnh vực Tôn giáo  
Danh lam thắng cảnh Chùa Bầu (Thiên bảo Tự)
Thành phố Phủ Lý nằm trên quốc lộ 1A, bên 2 bờ sông Đáy, Phủ Lý cách Thủ đô Hà Nội 60km về phía Nam, thành phố Nam Định 30 km về phía Tây Bắc và thành phố Ninh Bình 33 km về phía Bắc. Phủ Lý nằm trên Quốc lộ 1A có tuyến đường sắt Bắc Nam đi qua, là nơi gặp gỡ của ba con sông: Sông Đáy, sông Châu Giang và sông Nhuệ tiện về giao thông thuỷ bộ. Là vùng đồng bằng chiêm trũng, được bồi đắp phù sa và truyền thống canh tác lúa nước, với những ưu ái được thiên nhiên ban tặng mà Phủ Lý còn được gọi với cái tên thân mật “Thành phố Ngã Ba sông”.

Thành phố có 21 đơn vị hành chính gồm 11 phường và 10 xã, một trong những đơn vị trung tâm, nằm trên tuyến giao thông huyết mạch của thành phố là đơn vị phường Hai Bà Trưng. Từ lâu nay, khi nhắc đến phường Hai Bà Trưng nhân dân trong vùng và du khách thập phương còn nhớ tới một địa danh nổi tiếng đã có từ lâu đời, đó là Chùa Bầu (Thiên Bảo Tự).

a1.jpg

Tổng thể Hồ Chùa Bầu

Nguồn ảnh: Báo điện tử VOV

Thiên Bảo Tự tên thường gọi Chùa Bầu xưa thuộc kia làng Bảo Thôn, xã Châu Cầu, phủ Kim Bảng, tỉnh Hà Nội. Sau khi thành lập tỉnh Hà Nam năm 1890 xã Châu Cầu đổi thành tị xã Phủ Lý, Làng Bảo Thôn cũng như 3 làng khác đổi tên thành phố và gọi là phố Bảo Thôn. Làng đã xây dựng được bản hương ước, quy định nếp sinh hoạt của nhân dân trong làng. Bản này đã được các cụ trong làng đệ trình lên Tri huyện thanh Liêm tháng 04 năm 1938.

Về tín ngưỡng tôn giáo từ xa xưa, các cụ đã thành lập một khu tín ngưỡng tâm linh gồm có Chùa, Phủ, Đình, Đền. Toàn cảnh Chùa, Đình, Phủ nằm trong một khuôn viên rất đẹp, soi bóng xuống hồ chùa Bầu nước trong xanh. Có 1 quả chuông đồng to, một bia đá của Hội Tư Văn xây dựng năm 1860 để ở Văn Chỉ. Trước cửa chùa có Tam quan xây dựng 2 tầng toàn bằng vôi, muối, mật, gạch tốt chắc chắn và đẹp. Trong hai cuộc chiến tranh ác liệt chống Pháp và Mỹ, toàn bộ cảnh quan to đẹp đã bị diệt phá hoàn toàn. Hoà bình lập lại các cụ dân làng thập phương đã góp công sức xây dựng lại chùa là nơi tôn giáo tâm linh.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, theo lời kể của ông Vũ Xuân Mai người dân trong vùng thì nhân dân Bảo Thôn sống bằng nghề thuần nông cấy lúa, trồng rau, thả cá. Đình chùa Bầu là địa điểm đóng quân để huấn luyện của Tiểu đoàn Cao Thắng (tiểu đoàn trưởng là ông Chu Du), huấn luyện xong về Nam Định bảo vệ  nhà máy Tơ. Sau Cách mạng tháng 8 thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ, toàn dân phải  diệt giặc đói – giặc dốt. Đình chùa làng Bảo Thôn là nơi khai giảng lớp học bình dân học vụ đầu tiên của tỉnh Hà Nam, do ông Nguyễn Ngọc Chảo, ông Đỗ Khán Hoành tổ chức. Năm 1946 đình chùa còn là nơi bầu cử Quốc hội khoá I của nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà. Đình còn là nơi sinh hoạt hội họp của Công an tỉnh Hà Nam.

          Năm 1950, khi giặc Pháp chiếm đóng tỉnh Hà Nam. Đình chùa làng Bảo Thôn là trụ sở của tỉnh Đoàn Bảo Chính, chỉ huy trưởng là Thiếu uý Kuếch, chỉ huy phó là chuẩn uý Thuần (nữ). Đây cũng là nơi địch giam tù Cộng sản, chùa là nơi chúng để vũ khí đạn dược. Phủ, Đền là nơi chúng đóng quân, dân làng bị chúng đuổi khỏi làng đi nơi khác.

          Năm 1954 Hà Nam được giải phóng, nhân dân lại về dựng nhà để ở làm ăn sinh sống, thực hiện chính sách giảm tô, rồi cải cách ruộng đất và sửa sai. Xây dựng tổ đổi công tiến tới xây dựng Hợp tác xã nông nghiệp. Thôn Bảo Thôn được xây dựng Hợp tác xã nông nghiệp điểm, 1 trong 5 Hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh Hà Nam. Hợp tác xã nông nghiệp Bảo Thôn luôn là lá cờ đầu về nông nghiệp, chăn nuôi, thuỷ sản. Có phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao mạnh.

          Tới thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, năm 1965, Đễ quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, nhân dân Bảo thôn phải sơ tán người già, trẻ em triệt để ra thôn Mễ Thượng, thôn Mễ Nội và thôn Thá. Còn lực lượng lao động khoẻ mạnh ở lại chiến đấu và hợp đồng chiến đấu với 3 trận địa pháo cao xạ 57ly + 37 ly và 14.05ly ở địa bàn của thôn Bảo Thôn. Mặc dầu máy bay Mỹ đánh phá ác liệt trên địa bàn thị xã Phủ Lý, nhưng nhân dân Bảo Thôn không bỏ một mét đất hoang, vẫn về sản xuất cấy trồng rau để cung cấp cho cửa hàng rau quả thị xã để phân phối đến tay người dân, năng suất lúa rau vẫn đứng đầu Hợp tác xã nông nghiệp Bảo Mễ. Sở dĩ nhân dân Bảo Thôn làm được như vậy là có lòng tin tưởng và nắm được thời gian và quy luật ném bom của máy bay Mỹ.

          Trước cơn càn quét đánh bom ác liệt của Đế quốc Mỹ, nhân dân đã động viên con cháum chồng con tham gia tình nguyện nhập ngũ. Trong danh sách có tổng 49 anh chị em đi bội đội đánh Mỹ, có 17 anh em hy sinh. Đánh Pháp có 02 người hy sinh. Tiểu đội dân quân Bảo Thôn gồm 25 người cũng ra sức chiến đấu bảo vệ từng tấc đất tấc vàng và nhân dân làng Bảo Thôn.

          Ghi nhớ nhất là tháng 10 năm 1966 (không nhớ ngày), máy bay Mỹ đã trút xuống thị xã Phủ Lý cũng như làng Bảo Thôn tới 14 trận bom, đánh huỷ diệt trận địa 57ly và 14,05ly, làm huỷ diệt toàn bộ chùa Bầu và làng Bảo Thôn, không còn một nóc nhà nguyên vẹn, chùa chỉ còn những đống gạch ngói vụn nát. Hoà bình lập lại các cụ dân làng thập phương đã góp công góp sức xây dựng lại chùa, là nơi tôn giáo tâm linh như ngày nay.

Với diện tích 4000 m2 cùng khung cảnh thiên nhiên hài hoà, trước mặt chùa là một hồ nước sâu và rộng, hồ thông với sông Đáy tạo nên mĩ quan đẹp và tô điểm thêm sự tĩnh lặng cho chùa. Theo thuyết âm dương ngũ hành, trước mỗi ngôi chùa thường phải có một hồ nước vì chùa thì tượng trưng cho dương, hồ tượng trưng cho âm. Dương và âm tạo nên thế cân bằng hài hoà trong trời đất và theo thuyết phong thuỷ thì chốn chùa chiền là nơi tôn nghiêm, thành kính. Hồ nước trước chùa như muốn nhắc nhở con người ta đến nơi này cần phải rửa sạch tay chân cho hết bụi trần để thành tâm vào bái lễ. Như vậy nét văn hoá tâm linh nơi đây không khác xa so với những ngôi chùa khác.

Dựa trên “Truyền thuyết Tư Pháp và sự tích Chùa Thiên Bảo Tự", “Sự tích Đông Hải Vương" (thờ ở đình), “Sự tích Thuỷ Tinh Công chúa" (thờ ở đền) và ghi chép cũ, chùa Bầu đã có trên 1000 năm tuổi nằm trong quần thể làng Bầu, vực Bầu và chợ Bầu ngày nay. Đây là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của nhiều thế hệ, của phật tử xã Châu Cầu (xưa) và thành phố Phủ Lý – Hà Nam (ngày nay). Chùa Bầu vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật quý giá từ triều Vĩnh Thịnh năm thứ 6 (1663) với 28 đạo sắc phong về Đức Pháp Vân Phật và đạo sắc phong cuối cùng vào năm thứ 9 vua Khải Định.

Theo tư liệu Hán Nôm trích trong “Sự tích Thiên Bảo Tự Chùa Bầu" của Đại tá nhà văn Lương Hiền biên soạn theo thần tích “Thiên Bảo Tự" thì: Tên Chùa là Chùa Bà Bầu. Dòng chữ trên cổng tam quan (viết trên tường xây): “Trùng tu chùa Thiên Bảo xã Châu Cầu vốn có lịch sử từ lâu. Chùa cổ xưa cùng. Trời đất còn mãi". Câu đối nách phải: “Toàn dân vọng bái chúc vạn năm. Đạo Phật trang nghiêm truyền kim cổ". Câu đối nách trái: “Cùng thảy ngày đạo Phật vô cùng còn mãi. Nước nhà vĩnh bền, sông núi nghìn năm". Câu đối cột đồng trụ: “Qua các triều đại phong tặng đến ngày nay. Chùa Thiên Bảo anh linh vốn từ cổ". Đại tự treo trước cửa chính tẩm: “Thiên Bảo Tự". Câu đối bằng gỗ sơn thiếp: “Thập phương chiêm ngưỡng pháp lực từ bi của đạo Phật. Chúng sinh quy theo cửa bát nhã".

Chuông đồng được treo ở trước cửa chùa. Chuông cao 95cm, đường kính 57cm. Chuông có tên là: Chuông chùa Thiên Bảo, được các hương lão và nhân dân địa phương công đức như: “Trần Diễm cúng 1 quan tiền, Vũ Văn Tây chuông đồng 1 quả…" Chuông được đúc vào ngày 21 tháng 03 mùa xuân năm thứ 03 hoàng triều Minh Mệnh (1822),

Bia đá xanh cao 1m25, rộng 50cm. Trước bia thuộc văn chỉ cạnh đình, sau này do chiến tranh phá hoại đình và văn chỉ bị mất nên các cụ địa phương chuyển về dựng trước cổng lối vào chùa dịch nghĩa:

“Bia ghi về văn chỉ thôn bảo

(địa phương hay gọi là Bảo Thôn)

Văn hội ở ấp thôn Bảo xã Châu cầu tổng Phù Đạm, huyện Kim Bảng, Phủ Lỵ Nhân, tỉnh Hà Nội thiết lập văn chỉ.

Văn chỉ là nơi hưởng thờ, xuân thụ nhị kỳ tế lễ - đã định lệ ấy từ xưa đến nay vậy. Nhận hậu nhật năm thứ 13 Canh Thân thời Triều Tự Đức (1860) bản hội gồm có: hội trưởng là Đỗ Xuân Quang, Kỳ mục Đỗ Kim Bài, Đỗ Kiến Biện, Vũ Đăng Định, Đỗ Đức Thịnh, Vũ Đức Lượng.

Hội tế: Đỗ Văn Lệ, Đỗ Thiên Tái, Nguyễn Hữu Ngân, Vũ Khắc Tân, Vũ Đức Huy, Đỗ Ngọc Bàn, Vũ Duy Thanh, Đỗ Văn Nghiêm, Đỗ Nguyên Dinh, Nguyễn Khắc Minh, Vũ Đức Tính, Vũ Đăng Huyền, Đỗ Văn Chửng, Vũ Văn, Đỗ Văn Bệ, Đỗ Văn Ngưng, Vũ Kim Châu, Đỗ Văn Kỷ, Đỗ Văn Cân, Đỗ Văn Cự, Vũ Văn Truyền, Vũ Văn Lang, Đỗ Văn Trịnh, Đỗ Xuân Nông, Đỗ Văn Ngoan, Đỗ Văn Đán, Trần Đức Năng, Đỗ Văn Sở, Vũ Văn Bích, Đỗ Văn Chế, Đỗ Văn Trị, Đỗ Xuân Ngữ, Vũ Nguyên Hân, Đỗ Xuân Viên, Đỗ Xuân Dị, Đỗ Văn Ngữ, Vũ Văn Lâm, Văn Thục, cùng toàn hội đồng tâm hiệp lực tôn lập văn chỉ.

Địa phương ta vốn có đền thờ Pháp Vân Phật từ lâu, cho nên lập văn chỉ là sáng kiến ví như hình với bóng.

Xung quanh văn chỉ được xây bao bằng gạch nung và đá xanh cũng như ở miếu thờ Pháp Vân Phật. Cổng vào trái phải đối nhau có hai vị cưỡi ngựa oai nghiêm. Công việc này được khởi công vào tháng giêng mùa xuân đến tháng năm thì hoàn thành.

Công lao to lớn sự nghiệp vẻ vang, nay ghi chép lại các việc chi phí, hiến cúng vào bia và các ruộng của văn chỉ ở các xứ, liệt kê như sau:

  • Hội trưởng Đỗ Xuân Quang cúng tiến 30 quan, ruộng 3 sào tại xứ vườn cam thuộc địa phận của thôn. Đông nam giáp văn Chỉ, tây giáp ruộng Văn Dân, phía bắc giáp ruộng ông Biện.
  • Ngũ trưởng Đỗ Đình Biện cúng tiến 5 quan.
  • Đỗ môn trường cúng tiến 10 quan
  • Nguyễn môn trường cúng tiến 5 quan
  • Vũ môn trường cúng tiến 3 quan

    Tất cả chi tiêu xuất ra 600 cân gạo và 2 trăm ba mươi tám quan tiền.

    - Nguyên cho việc tế, ruộng là một mẫu tại xứ vườn Cam. Trong văn chỉ có một sở 2 sào, đông bắc giáp ruộng Dinh Nguyên, phía tây giáp ruộng Đức Mậu, nam giáp ruộng cửa chùa.

    Một sở 2 sào, phía đông giáp ruộng Quang Diệp, phía tây, nam, bắc giáp ruộng Dinh Nguyên.

    Một sở 3 sào, phía tây giáp ruộng của Văn Hào, nam giáp ruộng Văn Thưởng, bắc giáp ruộng Dinh Nguyên, phía đông giáp ruộng Văn Điều.

    Một sở 3 sào, phía đông bắc giáp Tiểu bạn, tây giáp ruộng Văn Nhị, nam giáp ruộng Nguyên Dinh.

    - Kỳ mục Đỗ Kim Bài cúng tiến 3 quan."

    Theo Thần tích – Thần sắc của làng qua lời kể của cụ Đỗ Hữu Cự và Vũ Thị Quế, cụ xây chùa Bầu đầu tiên cách đây hàng ngàn năm là cụ Thượng Phong Quốc - Lâm Viện Lục Từ Hoà - Thượng viện Chiếu – Thiền sư tên huý “Đồ Lê", sau cụ Đồ Lê thì còn một số cụ sau:

    - Cụ Giác Linh tên thường gọi là cụ sư Ốc, cụ Ốc ngoài 80 tuổi qua đời.

    - Đệ tử của cụ sư Ốc là cụ Sư Phú trụ trì thay. Cụ Phú cũng thọ ngoài 80 tuổi thì qua đời.

    - Đến đệ tử của cụ Phú là cụ sư Báu lên trụ trì. Cụ báu cũng thọ ngoài 80 tuổi thì mất.

    - Đến đệ tử của cụ Báu là cụ sư Long – sư Khánh, sau cụ sư Khánh về Trung ương giáo Hội, còn cụ Long tham gia kháng chiến, sau không thấy tin tức gì.

    - Đến năm 1955 -1956. Cụ Đặng Thanh Tụ về trụ trì cùng với 3 đệ tử của cụ là cụ Thanh Hoà – Thích Thanh Hợp và sư cô Bính.

    - Năm 1965 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ leo thang ra miền Bắc và cụ Tụ qua đời.

    - Cụ Thích Thanh Hợp bỏ chùa Bầu về chùa Ngái Trì, xã Liêm Tuyền trụ trì.

    - Hòa thượng Thích Thanh Quyết trụ trì từ năm 2003 đến nay.

     

    Sau nhiều thăng trầm của lịch sự và thời gian, từ năm 2007- 2010 dưới sự chủ trì của Hòa thượng Thích Thanh Quyết và đông đảo nhân dân, các cơ quan chính quyền các cấp cùng tăng ni phật tử có nhiều tâm bảo thiện chí ở các nơi nhiệt tình ủng hộ nên ngôi chùa này được trùng tu và tôn tạo lại trên diện tích 4000 m2 trên nền chùa Bầu cũ. Với lối kiến trúc cổ truyền của dân tộc và kiến trúc mới là sự kết hợp giữa đạo pháp dân tộc và thời đại.

    Trong dịp đầu xuân năm 2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng cán bộ Đảng và Nhà nước đã thăm và công đức vào Chùa Bầu.
    a2.jpg
    Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan về thăm và trồng cây Bồ đề (Do Ấn Độ tặng) lưu niệm tại chùa Bầu.
    Nguồn ảnh: Sưu tầm
    a3.jpg
    Chùa Bầu trong thời gian trùng tu từ 2007 – 2010
    Nguồn ảnh: Sưu tầm

    Từ khi được trùng tu lại cho đến nay, Chùa đã được tôn tạo theo kiến trúc mới, khi bước qua cổng tam quan là tòa tiền đường: hai bên thờ Đức Ông và thờ Đức Thánh Hiền, và chính điện thờ Phật. Tại toà Tam Bảo của Phật điện theo trật tự từ trên xuống, nơi cao nhất của Thượng điện là 3 pho Tam Thế; hàng thứ 2 là một pho tượng Đức Phật A Di Đà – đây là pho tượng lớn nhất ở phật điện; hàng thứ 3: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi ở giữa Bồ Tát Văn Thù bên trái, Bồ Tát Phổ Hiền bên phải ; hàng cuối trên Phật điện của chùa là tượng Thích Ca sơ sinh. Đằng sau tiền đường là nhà Tổ và cũng là nơi thờ Mẫu. Giữa lòng hồ chùa Bầu là 1 ngôi bảo tháp, tạo nên khung cảnh đẹp cho toàn bộ khu vực chùa.
    a4.jpg

Tổng thể Hồ Chùa Bầu

Nguồn ảnh: Báo điện tử VOV

a5.jpg

Ngôi Tam Bảo thờ Đức Phật

Nguồn ảnh: Báo Điện tử VOV

a6.jpg

Bên trái tam bảo từ cổng chính đi vào

Nguồn ảnh: Sưu tầm

 

Cùng với các nhà thờ, chùa chiền trên địa bàn thành phố, chùa Bầu là một ngôi chùa có rất nhiều nét kiến trúc cũng như trang trí nội thất mang phong cách truyền thống và hiện đại. Điều đó càng chứng tỏ rằng, mặc dù các hạng mục kiến trúc ở Hà Nam không có khác biệt lớn về phong cách so với kiến trúc cùng loại ở các vùng dân cư khác, nhưng vẫn có thể nhận ra những nét rất riêng của chùa Bầu ở các công trình kiến trúc này.

Trước hết, các kiến trúc này đều chiếm lĩnh những khoảng không gian rộng rãi, cảnh quan thoáng đãng và tọa lạc gần công viên Nguyễn Khuyến, chứ không chen chúc nhau trong những khoảng không gian chật hẹp ở các vùng đô thị, và luôn tạo cảm giác thanh tịnh, yên tĩnh nơi thành phố ồn ào.

Trong tâm thức của nhân dân địa phương, Chùa Bầu không chỉ đại diện cho nét văn hoá, nơi chứa đựng những thăm trầm lịch sử của làng Bầu cũ mà đây còn là nơi thể hiện triết lý nhân sinh và tinh thần khoan dung, hoà hợp trong đời sống tín ngưỡng của dân tộc. Chùa Bầu đã và đang đáp ứng nhu cầu trong đời sống thôn dã, xoá đi khoảng cách bất bình đẳng trong sinh hoạt cộng đồng ở làng quê xưa.

Có thể nói nền văn hoá Việt Nam mang 95% đặc điểm của văn hoá làng xã, trong đó chùa làng có vai trò trung tâm. Chùa không chỉ là nơi thực hành tôn giáo, mà còn là nơi tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hoá cộng đồng, đặc biệt là lễ hội. Hàng năm, vào ngày rằm tháng 7 âm lịch, nhiều người dân trong và ngoài địa phương đã tụ hội tại chùa Bầu để tham dự lễ Vu Lan báo hiếu, bày tỏ lòng thành kính đến cội nguồn, tổ tiên, công ơn cha mẹ và cầu bình an. Và sau khoá lễ Vu Lan, khi hoàng hôn buông xuống dần, mỗi người sẽ cầm trên tay một chiếc hoa đăng bên trong có ghi lại điều mà bản thân mong ước. Trước khi di chuyển ra hồ Chùa Bầu để thả hoa đăng thì mọi người sẽ cùng với hoa đăng vừa được thắp lên đứng trước lư hương đặt tại sân chùa để làm lễ.

a7.jpg

Quang cảnh tháp Hồ Chùa Bầu trong đêm Vu Lan

Nguồn ảnh:Báo điện tử Pháp luật

Tháng 5/2019, chùa Bầu vinh dự được chọn là điểm khởi hành cho đoàn xe hướng về Đại lễ Vesak được tổ chức tại chùa Tam Chúc, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Nhân dịp này, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Hà Nam đã trang trọng tổ chức nghi thức tắm Phật và rước xe hoa chào mừng Đại lễ. Đây cũng là dịp để người dân Hà Nam quảng bá với du khách về Chùa Bầu (Thiên Bảo Tự), một trong những địa danh tâm linh lịch sử của thành phố Phủ Lý, góp phần vào sự phát triển chung của văn hoá tâm linh Hà Nam.

a8.jpg

Chùa Bầu trong ngày Đại lễ Vesak năm 2019

Nguồn ảnh: Báo điện tử VOV

a9.jpg

Lãnh đạo Tỉnh Hà Nam chụp và Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh Hà Nam trong Đại lễ Phật Đản năm 2021

Nguồn ảnh: Báo Thông tấn xã Việt Nam

a10.jpg

Quang cảnh chùa Bầu từ trên cao nhìn xuống

Nguồn ảnh: Báo điện tử VOV

Chú thích:

 Tất cả các thông tin và nội dung của bài viết được sưu tầm từ các nguồn thông tin chính thống đã qua kiểm duyệt. Các nguồn thông tin gồm và sư liệu được lấy từ:

1. Thông tin lịch sử ghi chép từ nhân dân làng Bảo Thôn, nay là tổ phố Bảo Thôn thuộc phường Hai Bà Trưng, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

2. Sự tích Thiên Bảo Tự Chùa Bầu của tác giả Đại tá nhà văn Lương Hiền do Nhà xuất bản văn hoá thông tin ban hành năm 2010

3. Cổng thông tin thành phố Phủ Lý

https://phuly.hanam.gov.vn/Pages/chua-bau.aspx


Phòng Tôn giáo, tín ngưỡng
Tin liên quan