|
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng và gia đình (ảnh tư liệu gia đình) |
Trước khi tham gia hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm nhiều nghề kiếm sống (nghề may, phụ bếp, công nhân tàu biển). Năm 1925, đồng chí Nguyễn Lương Bằng sang Quảng Châu (Trung Quốc), được gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng; được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và theo học lớp huấn luyện chính trị do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức. Tháng 9/1926, đồng chí Nguyễn Lương Bằng rời Quảng Châu (Trung Quốc) về thành phố Hải Phòng, làm nhiệm vụ thiết lập đường dây liên lạc Hải Phòng - Hương Cảng (Hồng Kông) - Quảng Châu, chuyển tài liệu, sách báo cách mạng về trong nước, tham gia vận động, tuyên truyền cách mạng ở thành phố Hải Phòng và tỉnh Nam Định, tỉnh Thái Bình. Từ tháng 10/1927 đến tháng 12/1928, đồng chí Nguyễn Lương Bằng vào thành phố Sài Gòn để tham gia tuyên truyền, vận động cách mạng trong công nhân và thanh niên.
Tháng 12/1928, đồng chí Nguyễn Lương Bằng trở lại thành phố Hải Phòng hoạt động trong phong trào công nhân và đi “vô sản hóa”. Giữa năm 1929, Tổng bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên điều động đồng chí Nguyễn Lương Bằng sang công tác ở Hương Cảng (Hồng Kông). Tại đây, tháng 10/1929, đồng chí được kết nạp vào Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng. Tháng 12/1929, đồng chí đến thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) gây dựng cơ sở trong Việt kiều và binh lính người Việt trong tô giới Pháp tại Thượng Hải.
Năm 1931, đồng chí Nguyễn Lương Bằng bị mật thám Pháp bắt tại Thượng Hải (Trung Quốc) và áp giải về nước; lần lượt bị giam tại bốt Catina (Sài Gòn), nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), nhà lao Hải Dương. Sau khi bị Tòa án thực dân tại Hải Dương kết án phát lưu chung thân, đồng chí lần lượt bị giam tại nhà lao Hải Dương, nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Tháng 12/1932, đồng chí Nguyễn Lương Bằng vượt ngục và tiếp tục hoạt động cách mạng. Cuối năm 1933, đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai và bị tòa án thực dân ở Bắc Giang kết án khổ sai chung thân.
Tháng 5/1935, đồng chí Nguyễn Lương Bằng bị đày lên nhà tù Sơn La. Tháng 8/1943, đồng chí cùng một số cán bộ của Đảng vượt ngục thành công và trở về tiếp tục hoạt động cách mạng; đồng chí được Ban Thường vụ Trung ương Đảng giao phụ trách công tác tài chính và công tác binh vận; đồng thời được phân công hoạt động trong Mặt trận Việt Minh và giữ chức Chủ nhiệm của Tổng bộ Việt Minh.
Tháng 8/1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) từ ngày 14 đến ngày 15/8, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) từ ngày 16 đến ngày 17/8/1945 đã bầu đồng chí Nguyễn Lương Bằng vào Ban Thường trực Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam (Ủy ban Dân tộc gải phóng Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, đồng chí Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch; Ủy viên bao gồm các vị: Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Dương Đức Hiền, Chu Văn Tấn, Nguyễn Văn Xuân, Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Lê Văn Hiến, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Hữu Đang. Thường trực Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam gồm 5 người là: Hồ Chí Minh, Trần Huy Liệu, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng, Dương Đức Hiền).
Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí Nguyễn Lương Bằng liên tục là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Đảng và Nhà nước giao giữ nhiều trọng trách quan trọng. Từ năm 1947 đến năm 1951, đồng chí được giao trọng trách Trưởng ban Ban Kinh tế - Tài chính Trung ương - sau đổi thành Ban Tài chính Trung ương; từ năm 1951 đến năm 1952, đồng chí giữ trọng trách Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam; Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô từ năm 1952 đến năm 1956; từ năm 1956 đến năm 1960, đồng chí giữ chức vụ Tổng Thanh tra Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ (nay là Thanh tra Chính phủ); từ năm 1960 đến năm 1969, đồng chí giữ trọng trách Trưởng ban Ban Kiểm tra Trung ương Đảng (nay là Ủy ban Kiểm tra Trung ương). Từ tháng 9/1969 đến tháng 7/1976, đồng chí được Đảng, Nhà nước giao giữ trọng trách Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; từ tháng 7/1976 đến tháng 7/1979, đồng chí giữ trọng trách Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thời kỳ từ tháng 8/1943 đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khi được phân công hoạt động trong Mặt trận Việt Minh và giữ chức Chủ nhiệm của Tổng bộ Việt Minh, được bầu vào Ban Thường trực Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam. Đây là giai đoạn Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh cùng các lãnh tụ tiền bối của Đảng xác lập mô hình lý thuyết và triển khai xây dựng trên thực tế những hình thức tiền thân của Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam. Sau khi khắc phục những tổn thất nặng nề qua hai cao trào cách mạng 1930-1931 và 1936-1939, từ năm 1941, cách mạng Việt Nam bước vào cao trào kháng Nhật, cứu quốc. Thời cơ Tổng khởi nghĩa giành chính quyền đến gần. Trong bối cảnh đó, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương thành lập những hình thức tiền thân của nhà nước và pháp luật kiểu mới để sau khi giành được chính quyền sẽ trở thành chính thức ở Việt Nam. Năm 1943, dưới sự chỉ đạo của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và các cộng sự (trong đó có đồng chí Nguyễn Lương Bằng), tại các vùng căn cứ địa cách mạng đã lập ra các Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh và liên tỉnh, đó là những hình thức sơ khai của chính quyền cách mạng ở nước ta.
Tại Hội nghị toàn quốc của Đảng họp từ ngày 13 đến ngày 15/8/1945 tại Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, đồng chí Nguyễn Lương Bằng với tư cách là Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng tham gia Hội nghị và phát biểu về cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới. Đại hội Quốc dân (tiền thân của Quốc hội Việt Nam ngày nay) họp ở Tân Trào (thuộc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) từ ngày 16 đến ngày 17/8/1945 đã quyết định thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam và đồng chí Nguyễn Lương Bằng được bầu vào Ban Thường trực Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam. Nói về tính chất của Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam cũng như Chính phủ lâm thời của ta lúc này”. Như vậy, Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam mà đồng chí Nguyễn Lương Bằng tham gia thành lập và trở thành Ủy viên Ban Thường trực chính là hình thức tiền thân của Nhà nước Việt Nam kiểu mới của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân ngày nay.
Chương trình Việt Minh cũng nhấn mạnh: sau khi đánh đuổi được đế quốc Pháp, Nhật, sẽ thành lập một chính phủ nhân dân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chương trình Việt Minh được Bộ Tuyên truyền cổ động của Việt Minh công bố ngày 15/3/1944 (khi đó đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Chủ nhiệm Tổng bộ Việt Minh) đã nêu rõ: “Sau khi đánh đổ được bọn đế quốc phát xít Nhật, Pháp, sẽ lập nên chính phủ cách mạng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, theo tinh thần tân dân chủ, lấy cờ đỏ giữa có ngôi sao vàng năm cánh làm cờ chung của nước. Chính phủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Quốc dân đại hội cử lên, sẽ thi hành những chính sách dưới đây:…”. Chương trình Việt Minh khẳng định: “Một nước Việt Nam Cộng hoà Dân chủ sẽ xuất hiện. Cách mạng dân tộc giải phóng thành công, chúng ta sẽ cùng nhau thực hiện Chương trình vĩ đại trên đây” . Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam đã lãnh đạo Nhân dân cả nước làm nên thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tại Lễ công bố Tuyên ngôn độc lập (ngày 02/9/1945), đồng chí Nguyễn Lương Bằng đại diện Tổng bộ Việt Minh đã đọc Lời hiệu triệu quốc dân đồng bào, nói rõ về những chương trình hành động của Việt Minh, hô hào toàn dân tham gia Việt Minh ủng hộ Chính phủ lâm thời thi hành triệt để các chương trình kiến quốc của Việt Minh. Như đã nêu trên, Chương trình Việt Minh được Bộ Tuyên truyền cổ động của Việt Minh công bố ngày 15/3/1944 (khi đó đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Chủ nhiệm Tổng bộ Việt Minh) có thể được xem là hình thức tiền thân của pháp luật kiểu mới, sẽ được Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành sau khi lãnh đạo Nhân dân ta đánh đổ chế độ cai trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật và chế độ phong kiến.
Chương trình Việt Minh bao gồm các nội dung sau:
Về chính trị: 1. Phổ thông đầu phiếu vô luận nam nữ hễ ai từ 18 tuổi trở lên được quyền bầu cử, ứng cử; 2. Ban hành các quyền tự do dân chủ như: tự do xuất bản, tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại trong xứ và xuất dương; 3. Tổ chức Việt Nam nhân dân cách mạng quân và võ trang dân chúng để thẳng tay trừng trị bọn Việt gian phản quốc, giữ vững chính quyền cách mạng; 4. Tịch thu tài sản của đế quốc Pháp, Nhật và bọn Việt gian phản quốc; 5. Toàn xá chính trị phạm và thường phạm; 6. Nam nữ bình quyền; 7. Tuyên bố các dân tộc được quyền tự quyết; 8. Liên lạc mật thiết với các dân tộc thiểu số và nhất là Tàu, Ấn Độ, Cao Ly.
Về kinh tế: 1. Bỏ thuế thân và các thuế do Pháp, Nhật đặt ra, lập một thứ thuế rất nhẹ và công bằng; 2. Quốc hữu hóa ngân hàng của đế quốc Pháp, Nhật, lập nên quốc gia ngân hàng thống nhất; 3. Mở mang kỹ nghệ, giúp đỡ thủ công nghiệp làm cho nền kinh tế quốc gia được phát triển; 4. Dẫn thủy nhập điền, bồi đắp đê điều làm cho nền nông nghiệp được phồn thịnh; 5. Cho dân chúng tự do khai khẩn đất hoang có Chính phủ giúp đỡ; 6. Quan thuế độc lập; 7. Mở các đường giao thông như đường sá, cầu cống,v.v...
Về văn hóa: 1. Hủy bỏ giáo dục nô lệ, lập nền quốc dân giáo dục, cưỡng bức giáo dục đến bực sơ đẳng, cho các dân tộc được quyền dùng tiếng mẹ đẻ mình, phổ thông trong việc giáo dục mình; 2. Lập các trường chuyên môn quân sự, chính trị, kỹ thuật dể đào tạo các lớp nhân tài; 3. Giúp đỡ và khuyến khích các hạng trí thức để họ được phát triển tài nǎng của họ.
Về xã hội: 1. Thi hành ngày làm tám giờ; 2. Giúp đỡ cho gia đình đông con; 3. Lập ấu trĩ viện để chǎm nom trẻ con; 4. Lập nhà diễn kịch, chớp bóng, câu lạc bộ để nâng cao trình độ tri thức của nhân dân; 5. Lập nhà thương, nhà đẻ cho nhân dân.
Về ngoại giao: 1. Hủy bỏ tất cả các hiệp ước mà Pháp đã ký bất kỳ với nước nào; 2. Tuyên bố các dân tộc bình đẳng và hết sức giữ hòa bình; 3. Kiên quyết chống tất cả các lực lượng xâm phạm đến quyền lợi của nước Việt Nam; 4. Mật thiết liên lạc với các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản trên thế giới.
Đối với các tầng lớp nhân dân: 1. Công nhân: Ngày làm tám giờ, định lương tối thiểu, công việc như nhau thì tiền lương ngang nhau. Cứu tế thất nghiệp xã hội, bảo hiểm, cấm đánh dập, chửi mắng thợ, thủ tiêu giấy giao kèo giữa chủ và thợ, công nhân già có lương hưu trí; 2. Nông dân ai cũng có ruộng đất để cày cấy, giảm địa tô, cứu tế nông dân trong những nǎm mất mùa; 3. Binh nhân: Hậu đãi những người có công giữ gìn Tổ quốc phụ cấp cho gia đình họ được đầy đủ; 4. Học sinh: Bỏ học phí, bỏ giấy khai sinh, hạn tuổi, giúp đỡ học sinh nghèo; 5. Phụ nữ: Đàn bà được bình đẳng với đàn ông về mọi phương diện kinh tế, chính trị, xã hội, vǎn hóa; 6. Thương nhân: Bỏ ba tǎng môn bài và các thứ thuế khác do Pháp đặt ra; 7. Viên chức: Hậu đãi cho xứng đáng với công học tập; 8. Những người già và tàn tật được Chính phủ chǎm nom cấp dưỡng; 9. Nhi đồng được chính phủ chǎm nom về trí dục và thể dục; 10. Đối với Hoa kiều được Chính phủ bảo đảm tài sản và coi như tối huệ quốc. Đây là những nội dung hết sức quan trọng, thể hiện quan điểm xây dựng cơ sở xã hội - giai cấp của Nhà nước kiểu mới, của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân ở Việt Nam.
Chương trình Việt Minh nhấn mạnh: Cách mạng Việt Nam sẽ thắng lợi, một nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chân chính dân chủ sẽ xuất hiện. Cách mạng dân tộc giải phóng thành công, chúng ta sẽ thi hành bản Chương trình vĩ đại trên đây. Với ý nghĩa đó, hầu hết các nhà khoa học xã hội, khoa học pháp lý Việt Nam đều cho rằng đó là những hình thức tiền thân, tạo lập cơ sở để xây dựng, phát triển Nhà nước và pháp luật Việt Nam kiểu mới ở Việt Nam. GS.TS luật học Hoàng Văn Hảo khẳng định: “Mặt trận Việt Minh đưa ra 10 chính sách lớn, có thể nói đó là mầm mống pháp luật của chế độ mới” . Các tác giả cuốn Danh nhân Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Chương trình Việt Minh có thể coi là cơ sở xây dựng bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta” . Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Ủy ban dự thảo Hiến pháp năm 1946 được thành lập theo Sắc lệnh số 34-SL ngày 20/9/1945 gồm có 7 thành viên: Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy (Vua Bảo Đại), Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu (tức đồng chí Trường Chinh). Thể hiện tinh thần của Chương trình Việt Minh, Hiến pháp năm 1946 công nhận các quyền cơ bản của công dân như quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền khiếu nại tố cáo... Điều 10 bản Hiến pháp 1946 quy định rõ ràng các quyền tự do cá nhân: “Công dân Việt Nam có quyền: tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”...
Cùng với việc khẳng định “bao nhiêu quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”, khẳng định nguyên tắc mọi quyền bính trong nước đều thuộc về nhân dân, Hiến pháp năm 1946 đã quy định một cơ chế tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước rất chặt chẽ: Quyền lực của nghị viện do nhân dân trao cho một cách có tổ chức, dân chủ thông qua đầu phiếu phổ thông; Nghị viện quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia, nhưng nhân dân có quyền phúc quyết về các vấn đề đó; Quy định mối quan hệ giữa Nghị viện và Ban Thường vụ Nghị viện; Quy định tổ chức và hoạt động, nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ; Quy định về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp; Quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp...
Nói về ý nghĩa của Hiến pháp năm 1946 và đóng góp của các thành viên Ban soạn thảo Hiến pháp năm 1946 trong việc đặt nền móng cho Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tư pháp của Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Vũ Đình Hòe khẳng định: Sự ra đời của bản Hiến pháp 1946 và Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp làm Trưởng ban soạn thảo cho thấy đó là nền tảng, là việc cấp bách sau khi giành được chính quyền. Ý của Bác là chúng ta phải có ngay một công cụ của cách mạng, bằng đạo luật cơ bản để điều chỉnh các mối quan hệ trong một nước mới giành được độc lập. Làm như thế để làm gì? Để thấy Việt Nam đã có chủ quyền, Pháp không thể mơ tưởng gì ở đây. Ta đã giành lấy chính quyền, chống lại phát xít, thay đổi vận mệnh của mình, để nhân dân làm chủ. Ngay ngày 8/9/1945 đã cử Ban soạn thảo Hiến pháp gồm 7 người với Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban, trong đó có các ông Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Dương Đức Hiền (Tổng Thư ký Đảng Dân chủ Việt Nam)... .
Về vai trò và đóng góp của đồng chí Nguyễn Lương Bằng trong giai đoạn này, Đảng ta khẳng định “Là thành viên của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã cùng các đồng chí lãnh đạo của Ðảng và của Tổng bộ Việt Minh tổ chức cuộc đấu tranh của nhân dân ta trong một hoàn cảnh hết sức khó khăn chống ách áp bức của 2 đế quốc Pháp, Nhật, đối phó với những cuộc khủng bố điên cuồng, đẩy tới cao trào cứu nước. Cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Ðảng, đồng chí đã tham gia lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám và là người tham gia sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước cách mạng đầu tiên ở nước ta…” .
Trong gần 10 năm được Đảng, Nhà nước giao giữ trọng trách Phó Chủ tịch nước (từ tháng 9 năm 1969 cho đến tháng 7 năm 1979), đồng chí Nguyễn Lương Bằng cùng Chủ tịch nước Tôn Ðức Thắng lãnh đạo Nhà nước và Nhân dân ta thực hiện thành công cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước; đồng thời lãnh đạo việc thống nhất về mặt nhà nước, bởi sau Chiến thắng lịch sử vĩ đại năm 1975, Tổ quốc Việt Nam tuy được thống nhất về mặt lãnh thổ, song ở mỗi miền vẫn tồn tại hình thức tổ chức nhà nước khác nhau. Điều này không phù hợp với nguyện vọng của nhân dân cả nước là được sum họp trong một đại gia đình, mong muốn có một Quốc hội thống nhất, Chính phủ thống nhất, một bộ máy nhà nước thống nhất, đại diện chung cho nhân dân cả nước. Vì vậy, tháng 9/1975, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 24 đã đề ra nhiệm vụ hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước.
Từ ngày 15 đến ngày 21/11/1975, Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất đất nước được tổ chức tại Sài Gòn, nhất trí hoàn toàn các vấn đề về chủ trương, biện pháp nhằm thống nhất đất nước về mặt Nhà nước). Trên cơ sở đó, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã cùng với Trung ương Đảng và Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo toàn bộ quá trình thống nhất đất nước về mặt nhà nước. Ngày 25/4/1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung được tiến hành trong cả nước; từ ngày 24/6 đến ngày 03/7/1976, Quốc hội khóa VI nước Việt Nam thống nhất họp kỳ đầu tiên tại thành phố Hà Nội, quyết định lấy tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thủ đô là thành phố Hà Nội, Quốc huy mang dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng; Quốc ca là bài Tiến quân ca; Thành phố Sài Gòn - Gia Định đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh. Quốc hội cũng bầu ra các cơ quan cao nhất của Nhà nước và các chức vụ lãnh đạo cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bầu Ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1959; quyết định tổ chức hệ thống ba cấp chính quyền (cấp tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương; cấp huyện và tương đương, cấp xã và tương đương, ở mỗi cấp chính quyền đều có Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân).
Ngày 31/7/1977, Đại hội đại biểu các tổ chức mặt trận ở ba miền (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam) họp tại Thành phố Hồ Chí Minh quyết định thống nhất ba tổ chức, lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thông qua chương trình hoạt động và Điều lệ mới nhằm đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân để cùng nhau phấn đấu xây dựng Tổ quốc Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, xã hội chủ nghĩa và tích cực góp phần vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới. Ngày 20/9/1977, Việt Nam trở thành thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc. Ngày 18/12/1980, Quốc hội khóa VI nước Việt Nam thống nhất đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1980 - bản Hiến pháp có những dấu ấn đóng góp rất quan trọng của Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Lương Bằng.
Với 75 tuổi đời, hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đồng chí Nguyễn Lương Bằng là một tấm gương sáng về một chiến sĩ cộng sản kiên trung, một lãnh đạo tiền bối tiêu biểu hết lòng vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân. Đồng chí được Đảng, Nhà nước truy tặng Huân chương Sao Vàng vì những công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đồng chí đã có những cống hiến, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng Nhà nước kiểu mới của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân ở Việt Nam. Trong Điếu văn đọc tại Lễ quốc tang đồng chí Nguyễn Lương Bằng ngày 23/7/1979, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã khẳng định: “Học tập những đạo đức quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí là người khiêm tốn, giản dị, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, thực hiện dân chủ, giữ vững kỷ luật, phục tùng tổ chức rộng rãi và chặt chẽ, rất mực yêu thương đồng chí và chăm lo đời sống của nhân dân. Cái tên “Anh Cả” mà chúng ta thường gọi là biểu tượng của mẫu mực, sự trong sáng của tình đồng chí, tình anh em”./.
----------------------
Ghi chú:
1. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 3, Nxb CTQG, Hà Nội, tr.554.
2. Lịch sử 80 năm Ngành Tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2010), Nxb Chính trị quốc gia, 2010, tr.47-48.
3. Hoàng Văn Hảo (1995), Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới - quá trình hình thành và phát triển, Nxb CTQG, Hà Nội, tr.23.
4. Danh nhân Hồ Chí Minh (2000), Nxb Lao động, Hà Nội, tr.191.
5. Vũ Đình Hòe (2001), Pháp quyền - Nhân nghĩa Hồ Chí Minh, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.
6. https://xaydungdang.org.vn/ly-luan-thuc-tien/dong-chi-nguyen-luong-bang-nguoi-chien-si-cong-san-mau-muc-nguoi-tham-gia-sang-lap-nuoc-viet-nam-dan-chu-cong-hoa-7231.