Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bắt đầu từ chất lượng thực thi thủ tục hành chính

Tuyên truyền phổ biến Lĩnh vực Cải cách hành chính  
Bắt đầu từ chất lượng thực thi thủ tục hành chính
Chỉ số đánh giá Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI) 2021 cho thấy, các địa phương có sự bứt phá về chi phí tuân thủ thường có chi phí thời gian chuẩn bị hồ sơ và sửa đổi hồ sơ ngắn hơn. Từ đó, doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí trực tiếp do hiểu rõ thủ tục mà không cần phải thuê một bên thứ ba. Điều này cho thấy sự cần thiết hướng dẫn để các đối tượng thực thi thủ tục hành chính hiểu rõ, từ đó thực hiện thông suốt và thuận lợi.
Có sự khác biệt về chi phí tuân thủ

APCI năm 2021 cho thấy điểm chi phí tuân thủ thực tế của cả nước là 75,9/100 điểm. Với một nhóm các thủ tục hành chính tương đồng, được quy định bởi cùng một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thống nhất, sự khác biệt về chi phí tuân thủ giữa các địa phương chính là chênh lệch trong chất lượng thực thi thủ tục hành chính ở cấp địa phương.

Khác với năm 2020, khác biệt về điểm số giữa các nhóm thủ tục hành chính không lớn. Những nhóm thủ tục hành chính có điểm số thấp ở năm 2020 đã có những cải thiện đáng kể, đặc biệt như: nhóm thủ tục hành chính môi trường (tăng 10,3 điểm); nhóm giấy phép, chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh (tăng 9,3 điểm); nhóm giao dịch thương mại qua biên giới (tăng 7,4 điểm). Mặc dù, trong giai đoạn khảo sát, Luật Bảo vệ môi trường 2020 chưa có hiệu lực và Luật Đầu tư mới có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021 nhưng chi phí tuân thủ vẫn giảm, cho thấy công tác cải cách thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ không chỉ là kết quả của việc thay đổi pháp luật mà còn phụ thuộc vào các hành động, biện pháp cụ thể của các cơ quan giải quyết thủ tục.

APCI 2021 cũng như các năm trước đều có phản ánh điểm số về chi phí tuân thủ của một số vùng kinh tế trọng điểm để nhằm tìm kiếm các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và tạo điều kiện cho việc thu hút đầu tư vào phát triển vùng kinh tế, khơi dậy khát vọng vươn lên mạnh mẽ của toàn vùng và từng địa phương. APCI 2020 và 2021 cho thấy vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long luôn là khu vực có điểm chi phí tuân thủ tốt hơn các vùng kinh tế trọng điểm khác ở nhiều lĩnh vực. Tiếp đến vùng kinh tế trọng điểm Trung Bộ là nơi được đánh giá có thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính ở mức chấp nhận được. Trong khi đó, vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ hay vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cũng là nhóm các địa phương có điểm chi phí tuân thủ cần phải cải thiện về chi phí và thời gian.

Thúc đẩy thực hiện cơ chế đặc thù

APCI 2021 có phân tích thêm số liệu về chi phí tuân thủ của các địa phương đang được Quốc hội cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển, bao gồm các địa phương: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế.

Các cơ chế, chính sách đặc thù thường tập trung về phân cấp, phân quyền giữa các cơ quan Trung ương với cơ quan địa phương để các địa phương có thể chủ động thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Để các cơ chế, chính sách đặc thù phát huy hiệu quả thu hút nguồn lực đầu tư từ xã hội thì cần gắn với công tác cải thiện thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng xử lý thủ tục hành chính của cơ quan, cán bộ nhà nước nhằm thúc đẩy giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp. Ở khía cạnh này, APCI 2021 cung cấp nguồn thông tin để các cơ quan Trung ương và địa phương có thêm thông tin để xây dựng, hoàn thiện các cơ chế đặc thù về phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, cấp phép và xử lý các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh tại từng địa phương.

Đặc biệt, APCI 2021 cũng đem lại một gợi ý cho các địa phương trong các vùng kinh tế trọng điểm hoặc vùng lân cận (như vùng Thủ đô Hà Nội) có thể hợp tác với nhau trong việc liên thông thực hiện thủ tục hành chính, chia sẻ dữ liệu thông tin để có thể hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trong vùng, nhờ đó có thể thúc đẩy việc phát triển kinh tế. Nếu lấy Hà Nội làm gốc so sánh thì phần lớn các tỉnh (8/10 tỉnh) có điểm số trung bình nằm ngang hoặc phía trên mức trung bình của Hà Nội. 4/10 tỉnh có xu hướng tăng và 6/10 tỉnh có xu hướng giảm so với năm khởi đầu.

Các cơ chế, chính sách đặc thù cho một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Quảng Ninh để tạo động lực tăng trưởng kinh tế của vùng, miền chính là cơ chế phân cấp, phân quyền giữa cơ quan Trung ương với địa phương. Vấn đề này cũng đã được Chính phủ quy định tại Nghị quyết số 04/NQ-CP của Chính phủ ngày 10/01/2022 về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chung về chỉ số APCI của cả nước là cải thiện thì 6/9 tỉnh có xu hướng tăng so với năm khởi đầu, 2/9 có xu hướng giảm so với năm khởi đầu. Thanh Hóa mặc dù tăng so với năm bắt đầu nhưng năm 2021 thấp hơn nhiều so với các năm khác. Các địa phương Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ ở vị trí trên mức trung bình cả nước; Thanh Hóa và Quảng Ninh vị trí thấp hơn trung bình cả nước. Các địa phương còn lại là Hải Phòng, Hà Nội có xu hướng dịch chuyển lên trên mức trung bình cả nước, ngược lại Nghệ An và Thừa Thiên Huế có xu hướng dịch chuyển xuống dưới trung bình cả nước. Điều này cho thấy dường như các địa phương chưa "tận dụng tốt" các chính sách đặc thù. Như vậy, vẫn còn nhiều dư địa cho cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư ở các tỉnh, thành phố này./.



Theo: daibieunhandan.vn​